Tại hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt” nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, theo kinh nghiệm của mình, bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết, điểm mấu chốt để phát triển thanh toán không tiền mặt là phải duy trì được niềm tin của người tiêu dùng vào thanh toán điện tử.
Theo nghiên cứu Chỉ số thanh toán mới của Mastercard năm 2021, an toàn và bảo mật là mối quan tâm hàng đầu khi thanh toán điện tử; trong đó, những lý do hàng đầu cho việc không thử sử dụng các phương thức thanh toán mới bao gồm các vấn đề an ninh (47%) và lo ngại về bảo mật dữ liệu (42%). Ngược lại, 79% số người được hỏi ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết họ sẵn sàng thử các công nghệ thanh toán mới nếu nhận thấy chúng an toàn, và 85% muốn chắc chắn rằng các tùy chọn thanh toán do người bán đưa ra là an toàn.
Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ tiếp tục là ưu tiên và cam kết của Mastercard trong những năm tới tại Việt Nam. Thông qua các mối quan hệ đối tác rộng rãi trên toàn thế giới cùng kiến thức chuyên môn toàn cầu trong việc thấu hiểu người tiêu dùng, Mastercard nỗ lực mạnh mẽ để tạo ra một môi trường trao quyền cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển và tăng khả năng tiếp cận của họ với nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm các chương trình đào tạo chuyển đổi số, kết nối và tương tác với người tiêu dùng, điều chỉnh chiến lược, gia tăng trải nghiệm khách hàng và doanh thu cho doanh nghiệp.
Trao quyền cho phụ nữ vẫn đang và sẽ tiếp tục là mục tiêu của Mastercard tại Việt Nam. Mastercard đang hợp tác cùng nhiều đối tác tại Việt Nam để đẩy mạnh tuyên truyền về sự tiện lợi của việc thanh toán lương “không tiền mặt” cho các doanh nghiệp sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp, dây chuyền sản xuất, cũng như nâng cao hiểu biết của phụ nữ về thanh toán điện tử và TTKDTM trong giao dịch hàng ngày.