Qua rồi cái thời người người lập dự án, nhà nhà làm kinh tế trang trại theo kiểu tự phát. Với tiêu chí mới về trang trại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành, hàng ngàn trang trại ở Trà Vinh giờ chỉ là những “trại” sản xuất nhỏ lẻ…
Điểm sáng một thời
Phong trào phát triển kinh tế trang trại xuất hiện ở các tỉnh ĐBSCL cách đây khoảng hơn 10 năm. Trong sự bùng phát ấy, Trà Vinh được xem là điểm sáng, với khoảng 100 trang trại năm 2000 phát triển lên 2.845 trang trại năm 2005, nhưng có khoảng 1.025 trang trại phá sản. Trong đó, có trên 555 trang trại nuôi trồng thủy sản, hàng trăm trang trại chăn nuôi bò, heo. Những trang trại trồng cây lâu năm, trang trại tổng hợp thì hoạt động cầm chừng, hiệu quả không cao.
Vào những năm 2001- 2005 khi phong trào phát triển kinh tế trang trại ở Trà Vinh đang giai đoạn cao trào, ông Nguyễn Văn Lừa, xã Kim Hòa, huyên Cầu Ngang (Trà Vinh) được Nhà nước hỗ trợ hơn 50 triệu đồng để chăn nuôi heo theo qui mô trang trại. Vừa canh tác 3 ha lúa, lại sở hữu một nhà máy xay xát gạo, nên trang trại chăn nuôi heo của ông được xem là mô hình chăn nuôi kiểu mẫu nổi tiếng nhất vùng. Hàng năm, trang trại ông Bảy Lừa xuất chuồng hàng chục tấn heo hơi, lãi ròng 60 - 70 chục triệu đồng/năm. Thấy mô hình chăn nuôi heo trang trại của ông “ăn nên làm ra”, nhiều bà con trong vùng cũng học làm theo. Mô hình trang trại phát triển được 3 năm, do giá heo hơi không ổn định, nhiều trang trại phá sản, bỏ nghề. Riêng ông Bảy Lừa vẫn bám đàn heo. Tháng 10/2010, trong đợt dịch heo tai xanh bùng phát, đàn heo nhiễm bệnh, hàng chục con lăn ra chết, gia đình ông thua lỗ hơn 50 triệu đồng. “Nông dân bây giờ làm ăn khó quá, trúng mùa thì rớt giá. Chăn nuôi thì dịch bệnh tràn lan, lỗ nặng vụ heo tai xanh đợt này tôi buông tay, bỏ làm trang trại luôn”, ông Bảy Lừa ngậm ngùi.
Những trang trại bò lai sind trước đây giờ chỉ là những trại chăn nuôi nhỏ lẻ, hoạt động cầm chừng. |
Những trang trại bò cũng chẳng khá hơn. Ông Phan Văn Cuội, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, cách đây 10 năm là chủ trang trại 45 con bò sữa, bò lai Sind nổi tiếng cả tỉnh. Đưa chúng tôi tham quan chuồng trại bỏ trống chỉ còn lại 4 con bò, ông buồn bã nói: “Năm 2001, Trà Vinh có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi bò theo hướng công nghiệp, cứ mỗi trang trại có 15 bò cái sinh sản được nhà nước hỗ trợ 1 bò đực giống Sind, hạt cỏ giống, tiêm phòng miễn phí… Tôi là người đầu tiên ở địa phương đưa bò sữa, bò lai Sind về nuôi. Con bò sữa thoái trào vì thiếu kỹ thuật, giá sữa quá thấp không đủ chi phí. Bán 10 con bò sữa, tôi lỗ hàng chục triệu đồng”. Sau bò sữa, đàn bò lai Sind của ông Cuội cũng lần lượt bán đổ, bán tháo để trả nợ 45 triệu đồng ngân hàng.
Riêng con tôm, tiếng là giúp nhiều người trở thành tỷ phú, nhưng như nhiều người nói, “Mỏ tôm cũng gần cạn”. Theo Sở NN&PTNT Trà Vinh, ở thời hoàng kim, toàn tỉnh có gần 3.000 trang trại tôm. Trong đó có 1.820 trang trại nuôi trồng thủy sản. Huyện Duyên Hải có 1.317, Cầu Ngang 160, Trà Cú 158… là những địa phương phát triển trang trại nuôi tôm với tốc độ nhanh nhất. Cũng như con bò, con heo, trang trại nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm sú công nghiệp, sản xuất con giống… cũng được hưởng các chính sách ưu đãi như hỗ trợ lãi suất, quạt ôxy, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Lâm Văn Huynh, Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh, Duyên Hải cho biết: “Vài năm trước đây, vùng này được xem là “vương quốc tôm sú” của Trà Vinh. Nhưng sau nhiều năm nuôi tôm thua lỗ, hiện 204 trang trại nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp, sản xuất tôm giống ở địa phương đã có 200 trang trại chuyển sang nuôi cua, cá, tôm quảng canh. Nông dân nuôi tôm vỡ nợ, đất đai cầm cố ngân hàng gần 100 tỷ đồng chưa có biện pháp tháo gỡ. Phát triển trang trại ồ ạt đã để lại hậu quả nghiêm trọng là khi môi trường ô nhiễm, tôm nuôi chết trên diện rộng nông dân nợ chồng chất, đất nuôi tôm giờ kêu bán cũng chẳng ai mua”. Không riêng huyện Duyên Hải mà trang trại nuôi tôm sú ở Trà Cú, Châu Thành… cũng chung cảnh ngộ.
Cần có nội lực
Tính đến trước thời điểm có tiêu chí mới về trang trại, toàn tỉnh Trà Vinh còn 1.820 trang trại. Trong đó có 303 trang trại trồng cây hàng năm, 151 trang trại chăn nuôi, 1.265 trang trại nuôi trồng thủy sản và 101 trang trại tổng hợp. Trung bình mỗi trang trại thủy sản có 4,18 ha mặt nước, trang trại chăn nuôi heo có từ 50 – 60 con, vốn đầu tư cho mỗi trang trại khoảng 90 triệu đồng. Giá trị hàng hóa dịch vụ từ các trang trại mang lại khoảng 226,835 tỷ đồng/năm (chiếm gần 2% so với tổng giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh), bình quân đạt 125 triệu đồng/trang trại và giá trị thu nhập khoảng 32 triệu đồng/trang trại.
Trong khoảng 7 năm đầu thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư đối với kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, nguồn ngân sách địa phương đã chi 78,245 tỷ đồng, trả lãi vay hỗ trợ cho nông dân 61,7 tỷ đồng, hỗ trợ bò giống 2,4 tỷ đồng, heo giống 1,133 tỷ đồng, quạt bơm 11,624 tỷ đồng. Dù vậy, hiệu quả rất thấp so với tiềm năng đất đai, nguồn vốn đầu tư. Phần lớn các trang trại sau hết một chu kỳ được đầu tư vốn ưu đãi của Nhà nước, đã chuyển sang hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động và không phát triển mở rộng.
Thực tế cho thấy nhiều hộ nông dân chưa đủ điều kiện cũng như am hiểu về kỹ thuật nhưng vẫn tìm mọi cách để thành lập trang trại và trong số đó có không ít hộ dân lợi dụng chính sách ưu đãi, sử dụng vốn vay sai mục đích, thiếu kiến thức quản lý, nghiệp vụ... dẫn đến làm ăn thua lỗ, phá sản. Mặt khác, sự liên kết “4 nhà” trong tiêu thụ sản phẩm theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chinh phủ bộc lộ nhiều bất cập với thực tế tại địa phương, làm cho nông dân “đuối sức” trước cơ chế cạnh tranh của nền kinh tế thị trường.
Theo tiêu chí kinh tế trang trại của Bộ NN & PTNT mới ban hành, trang trại trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tổng hợp phải đạt về diện tích đất tối thiểu 3,1 ha (vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ), 2,1 ha đối với các tỉnh còn lại. Giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm. Đối với trang trại chăn nuôi, giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Đối với trang trại lâm nghiệp, phải có diện tích tối thiểu 31 ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm. Theo tiêu chí này toàn tỉnh Trà Vinh chỉ còn khoảng 10% số trang trại đủ điều kiện, chủ yếu ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Ông Trần Trung Hiền – Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: ”Đối với Trà Vinh, các mô hình kinh tế trang trại trước đây sẽ khó đáp ứng đủ các tiêu chí mới, do phần lớn các mô hình kinh tế trang trại của tỉnh có quy mô nhỏ, vốn đầu tư không cao và thiếu tính cạnh tranh với thị trường. Hiện toàn tỉnh có khoảng 10% số trang trại đủ điều kiện, chủ yếu ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tại Trà Vinh, quy mô trang trại trung bình khoảng 10 con/trang trại bò, 60 con/trang trại heo, và khoảng 40 – 50.000 con Post/trang trại đối với nuôi tôm sú. Với quy mô này, trang trại còn quá nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư tập trung, nguồn vốn tự lực còn hạn chế. Các trang trại chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn ưu đãi và các chính sách ưu tiên của Nhà nước... từ đó sản phẩm tạo ra từ các mô hình trang trại chưa có tính cạnh tranh cao trong nền kinh tế thị trường. Với tiêu chí trang trại mới sẽ có một tác động rất lớn trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, quy mô sản xuất ra hàng hóa lớn, tạo được sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên ở loại hình trang trại mới lần này đòi hỏi chủ từng trại phải có năng lực tốt kể cả cơ sở vật chất, vốn... và năng lực điều hành theo cơ chế thị trường. Ngành chuyên môn cũng sẽ tăng cường công tác thẩm định, tái công nhận và kiểm tra, theo dõi định kỳ với các mô hình kinh tế trang trại sau khi được công nhận một cách chặt chẽ và thường xuyên hơn, tránh việc buông xuôi sau khi đã đầu tư và công nhận như trước đây”.
Từ những mô hình ”bạo phát bạo tàn” của kinh tế trang trại lâu nay cho thấy, việc phát triển kinh tế trang trại không đơn thuần là chuyện tập trung đất cho đủ diện tích hay việc ấn định quy mô trang trại dựa vào số lượng con nuôi, cây trồng... Hiệu quả của kinh tế trang trại cần được xem xét thêm dưới góc độ hàm lượng khoa học kỹ thuật công nghệ được áp dụng trong sản xuất và hiệu quả kinh tế trên từng vùng đất, tập quán sản xuất, quy mô sản xuất tập trung và quy hoạch những vùng nguyên liệu ổn định... Có thể việc được công nhận trang trại có ý nghĩa rất lớn trong tác động về sản xuất cho người dân, tạo động lực cho người sản xuất nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm với thị trường, liên kết và hình thành mô hình khép kín từ khâu giống, thức ăn, thu hoạch và bán sản phẩm. Nhưng việc đưa ra các tiêu chí mới về trang trại mà chưa có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kể cả về vốn lẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển bền vững thì người dân vẫn chưa thực sự mặn mà với trang trại và hiệu quả của kinh tế trang trại cũng khó thoát khỏi tính phong trào như hiện nay.
Lê Hiền