Xí nghiệp chế biến Lương thực xuất khẩu Sơn Thuận (Công ty TNHH XNK Kiên Giang). Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN |
Trước thông tin gần đây, một số báo chí trong nước và quốc tế có đưa tin Chính phủ Thái Lan thông báo kế hoạch bán 11,4 triệu tấn gạo tồn kho. Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có trả lời chính thức với phóng viên TTXVN nhằm đưa ra những giải pháp và định hướng thông tin, giúp doanh nghiệp giải tỏa được những lo ngại trong việc xuất khẩu và ổn định thị trường lúa gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo trong năm 2016 tiếp tục chịu tác động trong bối cảnh diễn biến khó lường của các thị trường gạo thế giới không chỉ về giá xuất khẩu mà còn là chất lượng, thương hiệu. Hiện lợi thế cạnh tranh về giá của gạo Việt Nam không còn như các năm trước khi “vựa lúa gạo” Thái Lan chấp nhận bán ra với giá thấp để giải quyết vấn đề tồn kho.
Thực tế, chương trình giải phóng tồn kho của Thái Lan đã được thực hiện từ những năm trước. Tuy vậy, việc xuất hiện thông tin nước này xả lượng gạo tồn kho lớn trong bối cảnh hiện nay cho thấy tình hình thị trường gạo thế giới tiếp tục biến động khó lường và cần có những giải pháp linh hoạt, chủ động trong công tác điều hành.
Không chỉ vậy, sự thay đổi về thể chế, biến động về chính trị; chính sách nhập khẩu của nước nhập khẩu truyền thống theo hướng tiếp tục tăng cường sản xuất trong nước, tiến tới đáp ứng nhu cầu phần lớn hoặc tự túc lương thực…. Việc tận dụng, nắm bắt cơ hội, ứng phó với các thách thức từ Cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên…cũng là yếu tố tác động tới hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Chính vì vậy, tới đây Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ, Thương vụ Việt Nam tại các nước, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tăng cường theo dõi sát tình hình thị trường để kịp thời, chủ động nắm thông tin thị trường phục vụ công tác điều hành của Chính phủ.
Cùng với đó, Bộ tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; khai thác tiềm năng, cơ hội từ các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký, giảm dần phụ thuộc vào một thị trường. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sản xuất lúa gạo; gắn sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần bảo đảm sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.
Mặt khác, tập trung củng cố các thị trường trọng điểm truyền thống; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là tại các nước thành viên của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên. Từ đó thâm nhập các thị trường mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, giảm dần phụ thuộc vào một thị trường; góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam. Tăng cường công tác thông tin thị trường, tăng cường trách nhiệm và có cơ chế chia sẻ, trao đổi và phân tích, đánh giá thông tin thị trường giữa Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các bộ, ngành liên quan và thương nhân...
Đặc biệt, trong phương án đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong năm 2016 này, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn vay, vốn vay ưu đãi (nhất là nguồn vốn trung, dài hạn đầu tư xây dựng kho chứa, lò sấy tại vùng nguyên liệu, nguồn vốn phục vụ đầu tư ứng trước đầu vào cho nông dân và thu mua lúa từ vùng nguyên liệu).
Phía Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao và chỉ đạo thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tăng cường vận động, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, rào cản, thúc đẩy công tác phát triển thị trường xuất khẩu gạo, nhất là các thị trường trọng điểm, có quan hệ chính trị nhạy cảm đối với Việt Nam. Bộ cũng sẽ phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân đầu mối tiếp tục tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến từng thị trường, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện xúc tiến thương mại gạo tại các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng để củng cố thị trường và mở đường cho xuất khẩu gạo.
Riêng các địa phương có liên quan, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương triển khai các biện pháp phù hợp, cần thiết bảo đảm thống kê đúng số lượng gạo thực tế xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới. Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành chức năng chỉ đạo có hiệu quả chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu, kiểm tra hoạt động thu mua lúa gạo nội địa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trái quy định.