Cải thiện môi trường kinh doanh: Thăng hạng nhiều, nhưng 'tụt dốc' về khởi sự doanh nghiệp

Môi trường kinh doanh là nền tảng để hình thành và phát triển doanh nghiệp. Trong những năm qua, các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện, tuy nhiên để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được khắc phục.

Cá nhân, doanh nghiệp đến làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Bài 1: Nhiều điểm sáng nhưng chưa bền vững


Việt Nam đã và đang phát triển nền kinh tế thị trường, đồng thời hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Điều này không chỉ đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, mà còn phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm thu hút các nguồn lực nước ngoài phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, nhiều chủ trương, chính sách mới đã được ban hành, đi vào cuộc sống. Song hiện vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

Nhiều điểm sáng từ Nghị quyết 19

Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; được ban hành từ năm 2014 và điều chỉnh theo từng năm. Sau 4 năm triển khai thực hiện, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục cải thiện, được doanh nghiệp đánh giá tốt.

Cụ thể, theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ 68 trong tổng số 190 quốc gia được khảo sát, tăng 22 bậc so với năm 2015.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, đánh giá chất lượng môi trường kinh doanh của một quốc gia được dựa trên điểm số của 10 chỉ số thành phần khác nhau như khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, giải quyết tranh chấp và phá sản, nộp thuế và bảo hiểm xã hội…Theo đó, từ năm 2014 đến nay, nhiều chỉ số thành phần của Việt Nam đã được cải thiện; trong đó tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư và nộp thuế có mức độ cải thiện tốt nhất.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, chỉ số tiếp cận điện năng liên tiếp tăng điểm và thăng hạng nhờ thực hiện cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian, tăng độ tin cậy cung ứng điện và vận hành hệ thống giám sát năng lượng. Nộp thuế và bảo hiểm xã hội có mức cải thiện tốt với nhiều cải cách về quy định và thủ tục nộp thuế, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng giao dịch điện tử trong thủ tục bảo hiểm xã hội.

Những cải cách mạnh mẽ về mặt hải quan như thực hiện hải quan điện tử, phân luồng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành cũng giúp chỉ số về giao dịch thương mại qua biên giới được cải thiện đáng kể. Thêm vào đó, Luật Doanh nghiệp 2014 được sửa đổi theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của cổ đông thiểu số, phạm vi tài sản giao dịch bảo đảm được mở rộng, đã giúp chỉ số bảo vệ nhà đầu tư và tiếp cận tín dụng được nâng cao cả về điểm và thứ hạng.

Bên cạnh các chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam cũng được nâng hạng từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137. Năng lực đổi mới sáng tạo cũng có được thứ hạng cao nhất từ trước tới nay, từ vị trí 59 lên 47 trong tổng số 127 quốc gia được đánh giá. Trong đó, hầu hết các trụ cột như thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường, sản phẩm sáng tạo… đều được cải thiện. Đáng chú ý, 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập gồm Moondy’s, Standard and Poor’s và Fit đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức ổn định lên mức tích cực trong năm qua.

Không chỉ ở cấp độ quốc gia, nhiều địa phương cũng đã tích cực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, hoạt động đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp được nhiều địa phương tổ chức thường xuyên, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh. Hầu hết các địa phương đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến và có nhiều sáng kiến cải cách thủ tục hành chính. Điển hình như mô hình trung tâm hành chính công ở Quảng Ninh, Thái Bình, Đà Nẵng, Bình Dương…

Các tỉnh thành khác lại chú trọng cải thiện các yếu tố ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, kết hợp thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ với việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, thực hiện đánh giá tính sáng tạo và kết quả điều hành của các sở, ban ngành quận huyện hay cấp thẻ điện tử cho doanh nghiệp. Những nỗ lực trên từ phía Chính phủ cũng như các địa phương đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Nhiều nội dung cần tiếp cải thiện

Mặc dù môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh được cải thiện nhưng các chuyên gia cho rằng, mức độ cải thiện chưa đều và mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 trên các chỉ tiêu môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn còn là thách thức. Nghiên cứu của CIEM cho thấy, bên cạnh các chỉ số được nâng điểm, vẫn còn nhiều chỉ số thành phần trong môi trường kinh doanh có thứ hạng thấp và không được cải thiện. Cụ thể, chỉ số khởi sự doanh nghiệp liên tục bị hạ bậc, từ 119 xuống 123 trong 3 năm trở lại đây.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty tư vấn Kinh tế Economica phân tích, nếu chỉ nhìn vào số lượng doanh nghiệp thành lập mới sẽ thấy gần như không còn dư địa để cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, phải đặt con số 110.000 doanh nghiệp mới với 150.000 hộ kinh doanh cá thể hình thành mỗi năm để thấy đăng ký thành lập doanh nghiệp chưa phải là lựa chọn hàng đầu của những người khởi sự kinh doanh. Nguyên nhân là do số lượng thủ tục nhiều, thời gian giải quyết thủ tục thường kéo dài.

Theo ông Lê Duy Bình, cũng cần đánh giá đúng chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp, mặc dù số doanh nghiệp đăng ký thành lập liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp thật sự đi vào hoạt động chỉ chiếm khoảng 50% số doanh nghiệp đăng ký. Trong số doanh nghiệp đi vào hoạt động, cũng chỉ có  45% doanh nghiệp có lãi, số còn lại thường hoạt động cầm chừng hoặc thua lỗ. Điều này xuất phát từ thực tế là sau thủ tục thành lập, chi phí hoạt động của doanh nghiệp không ngừng tăng lên; trong đó chi phí lao động tăng do yêu cầu tăng lương, các loại thuế, phí tăng. Tính riêng từ năm 2010 – 2016, mức đóng góp ngân sách của các doanh nghiệp tăng gấp đôi, trong khi đó mức độ sinh lời thấp đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn.

Trong khi đó, chỉ số đảm bảo thực thi hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam suốt 5 năm trở lại đây không có cải thiện, chất lượng quy định pháp lý còn hạn chế. Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Trưởng Văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự cho rằng, quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng của Việt Nam đã thay đổi nhưng ít tác động trên thực tế. Hoạt động tòa án có nhiều thay đổi lớn như công khai bản án, tiếp nhận đơn kiện, chứng cứ bằng phương thức điện tử, hòa giải thương mại nhưng doanh nghiệp chưa cảm nhận được sự thay đổi đó.

Liên quan đến phá sản doanh nghiệp, theo Luật sư Nguyễn Hưng Quang, việc tra cứu thông tin liên quan tới các vụ việc phá sản ở một số địa phương còn khó khăn. Cổng thông tin quốc gia thì chưa đăng tải thông tin về doanh nghiệp phá sản và danh sách chủ nợ. Hoạt động xác minh tài sản còn thiếu sự phối hợp giữa thẩm phán, quản tài viên và chấp hành viên, thời hạn kiểm kê tài sản ngắn. Ngoài ra, các quy định trong Luật Phá sản còn mâu thuẫn với Luật Thi hành án dân sự, Luật Đất đai nhưng chưa được hướng dẫn thực hiện, dẫn đến sự chậm trễ trong giải quyết phá sản.

Hải quan được đánh giá là một trong những cơ quan quản lý có mức độ cải cách nhanh nhất nhưng vẫn gặp vướng mắc trong việc xác định trị giá hải quan (là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, dùng làm căn cứ để tính thuế) Ngoài ra, việc áp dụng các văn bản, quy định của nhiều cán bộ hải quan còn máy móc, cứng nhắc gây phiền hà, phát sinh nhiều chi phí không chính thức.

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ - Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nêu trường hợp điển hình là doanh nghiệp nhập khẩu vỏ sò, vỏ trai về sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ bị cơ quan hải quan yêu cầu phải thực hiện thủ tục kiểm dịch thú y. Trong khi đó, vỏ sò, vỏ trai đã được xử lý nhiệt ở nước ngoài và không có bất kỳ nguy cơ dịch bệnh nào. Vì kiên quyết không “lót tay” nên doanh nghiệp này phải lưu kho hải quan để chờ kết quả kiểm dịch, kết quả là chi phí lưu kho còn cao hơn cả trị giá thực tế của hàng hóa.

Những cải cách về quản lý kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh được các chuyên gia đánh giá mới chỉ đạt được kết quả bước đầu, chưa mang tính hệ thống. Cụ thể, mặc dù một số bộ ngành đã tích cực rà soát, cải cách thủ tục nhưng số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành còn lớn, thậm chí có xu hướng ngày càng mở rộng. Các quy định và cách quản lý kiểm tra chuyên ngành chưa thống nhất giữa các bộ, ngành. Trong đó, có khoảng 58% số mặt hàng chịu sự kiểm tra chồng chéo giữa các bộ hoặc giữa các đơn vị trong cùng một bộ. Các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung hoạt động không hiệu quả, thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn dài, gây phát sinh chi phí kho bãi, bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Bài 2: Nâng chất cho quá trình cải cách

Xuân Anh (TTXVN)
Chủ tịch VCCI: Vẫn còn nhiều điểm chưa hài lòng về môi trường kinh doanh tại Việt Nam
Chủ tịch VCCI: Vẫn còn nhiều điểm chưa hài lòng về môi trường kinh doanh tại Việt Nam

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều chi phí không chính thức, thủ tục đất đai... gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN