Cải cách kinh tế để nâng cao sức chống chịu sau COVID-19

Diễn đàn “Cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và có tính chống chịu cao sau COVID-19: Từ thích ứng tới quản trị bất định” vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương tổ chức sáng 10/11.

Đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm nay đã có những tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam, để lại những hệ lụy nặng nề với phát triển kinh tế và ổn định xã hội, làm suy giảm tăng trưởng. Do đó, yêu cầu đặt ra sau dịch COVID-19 là phải nâng cao năng lực nội tại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương cho biết, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tương đối thành công trong việc khống chế dịch bệnh, giảm được hệ lụy đối với nền kinh tế.

Cùng với những chỉ đạo sát sao và định hướng kịp thời của Chính phủ, thì những kết quả quan trọng do những cải cách mạnh mẽ và liên tục từ những năm trước đó góp phần cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và sức chống chịu của nền kinh tế.

Bà Minh cho rằng, bối cảnh hậu COVID-19 đang đòi hỏi chúng ta tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế mạnh hơn trong thời gian sắp tới, cách tiếp cận và ưu tiên cải cách cũng phải thích ứng với bối cảnh mới.

Yêu cầu căn bản tiếp tục là phải cải thiện năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế của các ngành hàng và của các doanh nghiệp. Đặc biệt cần đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và thực hiện chương trình nghị sự về phát triển bền vững nhằm tạo thêm động lực cho sự phát triển kinh tế trong thời gian sắp tới.

Các chuyên gia tại diễn dàn cũng cho rằng, để nâng cao sức chống chịu sau COVID-19, việc cải cách vẫn rất cần thiết. Theo đó, cần cắt giảm chi phí do chính sách tạo ra, tạo thêm không gian kinh tế và động lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp; đồng thời, tiếp tục hội nhập hiệu quả với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; nâng cao năng lực đáp để đáp ứng các tiêu chuẩn trong hiệp định; thúc đẩy hợp tác đầu tư; chủ động để phát triển bền vững.

Theo TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân, việc đẩy mạnh cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Việt Nam được dự báo trong năm 2021 sẽ có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm đầu trên thế giới và tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi tại khu vực này và chỉ sau một số nền kinh tế như Trung Quốc (6,9%), Malaysia (6,9%).

Theo ông Bình, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam còn phụ thuộc vào khả năng duy trì và tăng trưởng của cầu trong nước. “Có nhiều yếu tố thuận lợi để duy trì để đảm bảo và nâng cao năng lực cung ứng trong nước. Theo đó, dịch vẫn được khống chế, đây là một điểm mạnh và lợi thế. Kinh tế vĩ mô ổn định, sự ổn định trong hoạt động tài chính, tiền tệ, các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư vẫn đang được triển khai. Việt Nam vẫn được coi là một trong những địa chỉ đáng tin cậy trong các nỗ lực nhằm tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu...”, ông Lê Duy Bình cho biết.

Tuy nhiên, ông Lê Duy Bình nhận định, tăng trưởng vẫn đối mặt với một số rủi ro, rủi ro lớn nhất là xuất hiện trở lại của dịch bệnh…

Thúy Hiền (TTXVN)
Phát triển kinh tế biển song song với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ 
Phát triển kinh tế biển song song với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ 

Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2010-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ cho phát triển kinh tế biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN