Công nghệ
Lịch sử ngắn ngủi của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh được định hình bởi cuộc đua giữa một số ít công ty để xây dựng các mô hình ngôn ngữ quyền lực ở trung tâm công nghệ. Tuy nhiên, trong năm 2025, AI tạo sinh sẽ chuyển từ "sâu hơn" sang "rộng hơn", khi nhiều quốc gia và các công ty muốn kiểm soát những gì họ coi là công nghệ mang tính chiến lược.
Dưới khẩu hiệu "AI có chủ quyền", nhiều quốc gia đã bắt đầu xây dựng các siêu máy tính và mô hình AI cần thiết. Bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế là động lực chính. Khoảng 10% doanh thu của Nvidia đến từ việc bán chip cho các nước đang xây dựng cơ sở hạ tầng AI quốc gia. Con số này có khả năng tăng lên khi nhiều chính phủ xác định AI đã trở thành công nghệ không thể bỏ qua.
Và khi các mô hình AI nguồn mở như Llama của Meta ngày càng trở nên quyền lực hơn, nhiều công ty có khả năng sẽ dành nguồn lực để đào tạo các mô hình riêng bằng dữ liệu độc quyền, mở rộng quyền kiểm soát đối với AI tạo sinh vào năm 2025.
Tỷ phú Elon Musk, người đang trong quá trình mua lại Twitter khi ChatGPT được ra mắt, gần như đã bỏ lỡ sự bùng nổ của AI tạo sinh. Kể từ đó, ông bù lại thời gian đã mất bằng cách huy động 12 tỷ USD cho công ty khởi nghiệp xAI.
Sự xuất sắc của ông trong việc thu hút và thúc đẩy các kỹ sư giỏi nhất đã biến xAI thành một ứng cử viên sáng giá chỉ sau một đêm, khi công ty hiện được định giá 50 tỷ USD. Giờ đây, nhờ mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và sự tham gia vào sáng kiến tái cấu trúc Chính phủ Mỹ của ông Musk, xAI có thể đóng vai trò quan trọng trong chính quyền của ông Trump.
Đi tiên phong trong lĩnh vực AI tạo sinh, công ty phát triển ChatGPT là OpenAI đã tiến xa hơn nhiều trong việc xây dựng một doanh nghiệp hoàn chỉnh xung quanh các mô hình AI. Nhưng với tỷ phú Musk tham gia chính trị, xAI có thể là công ty đáng chú ý khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Rất khó để xác định chính xác thời điểm sự bùng nổ công nghệ trở thành bong bóng hay dự đoán khi nào giai đoạn bùng nổ này sẽ kết thúc. Tuy nhiên, có sự đồng thuận chung trong thế giới công nghệ rằng sẽ mất nhiều năm trước khi hầu hết các doanh nghiệp và chính phủ, những người mua công nghệ lớn nhất, tìm ra cách sử dụng AI tạo sinh một cách có lợi nhuận và ứng dụng vào hoạt động hàng ngày.
Giá trị các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng AI tiếp tục tăng, làm gia tăng nguy cơ sụp đổ công nghệ. Năm 2024, các nhà đầu tư Phố Wall vẫn giữ niềm tin, gạt bỏ sự dao động vào giữa năm đối với cảnh báo rằng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đang vượt xa nhu cầu. Liệu họ có tiếp tục làm như vậy trong năm 2025 hay không lại là vấn đề khác.
Vốn tư nhân
Những gã khổng lồ về vốn tư nhân như Blackstone, KKR và Apollo Global từ lâu đã đầu tư tiền cho các quỹ đầu tư và quỹ tài trợ có chủ quyền.
Việc ông Trump tái đắc cử sẽ mở ra cho những doanh nghiệp đầy quyền lực này cơ hội nhờ việc bãi bỏ quy định đối với thị trường đầu tư trị giá 40.000 tỷ USD của Mỹ hiện hạn chế hầu hết những người tiết kiệm đầu tư vào các tài sản không thanh khoản như mua lại công ty khác bằng một khoản vay đáng kể.
Hai quan chức hàng đầu trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump là Bộ trưởng Lao động Eugene Scalia và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Jay Clayton đã mở ra cánh cửa để vốn tư nhân chinh phục thị trường béo bở này.
Medline Industries, nhà cung cấp linh kiện y tế có trụ sở tại Chicago, là một công ty gia đình ít được biết đến cho đến năm 2021, khi Blackstone, Carlyle và Hellman & Friedman mua cổ phần kiểm soát doanh nghiệp này với giá 34 tỷ USD.
Thỏa thuận này đạt được vào cao điểm của cơn sốt mua lại kéo dài hàng thập kỷ nhờ lãi suất thấp và thị trường gây quỹ sôi động. Nhưng cơn sốt này nhanh chóng đảo ngược vào năm 2022, khi lãi suất bắt đầu tăng, khiến việc chào bán các công ty đã thâu tóm trở nên khó khăn.
Doanh thu và lợi nhuận của Medline đã tăng trưởng nhờ thỏa thuận vào năm 2021 và các chủ sở hữu đang chuẩn bị chào bán công khai công ty này. Nếu Medline được chào bán thành công vào năm 2025 hoặc 2026, điều này sẽ củng cố niềm tin rằng các công ty cổ phần tư nhân có thể thoát khỏi các vụ mua lại tốn kém nhất.
Al có thể là giải pháp cho một số công việc tẻ nhạt trong lĩnh vực tài chính liên quan đến dữ liệu và thuật ngữ pháp lý, nhưng đồng thời có thể tạo ra những thách thức cho lĩnh vực nóng nhất của hoạt động thâu tóm trong thập kỷ qua.
Sự bùng nổ của các thỏa thuận mua lại các công ty phần mềm từ năm 2014 đến nay đã thúc đẩy sự gia tăng tín dụng tư nhân do các thỏa thuận này đòi hỏi các khoản vay theo nhu cầu. Các công ty phần mềm thường nắm giữ ít tài sản hữu hình, thay vào đó hưởng lợi từ doanh thu đăng ký định kỳ. Ares, Blackstone và Blue Owl nằm trong số các tập đoàn đã cung cấp các khoản vay chuyên biệt.
Al có thể dễ dàng giúp các công ty phần mềm này trở nên năng suất hơn, nhưng cũng có rủi ro khiến khách hàng sẽ không còn cần đến dịch vụ của họ.
Ô tô
Năm 2024, các nhà sản xuất ô tô trên thế giới chịu áp lực khi doanh số bán xe điện (EV) tăng trưởng chậm lại. Các giám đốc điều hành trong ngành vẫn còn chia rẽ về việc liệu doanh số có tăng trở lại hay không. Một số người cho rằng việc phát triển EV đã cố tình bị trì hoãn cho đến khi các quy định về khí thải chặt chẽ hơn có hiệu lực tại châu Âu vào năm 2025. Điều này đồng nghĩa sẽ có nhiều EV lưu thông trên đường hơn vào năm 2025 và các nhà sản xuất ô tô sẽ giảm xe động cơ đốt trong. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng người tiêu dùng vẫn chưa tin tưởng vào EV cũng như giá cả của loại xe này chưa hấp dẫn.
Các nhà phân tích ước tính EV sẽ chiếm khoảng 20% doanh số bán ô tô toàn cầu vào năm 2024, với mức tăng trưởng lớn nhất đến từ Trung Quốc. Tỷ lệ này sẽ tăng tới mức nào trong năm 2025 sẽ phụ thuộc vào việc các chính phủ có tiếp tục trợ cấp hay sẽ cắt giảm như ông Trump đã tuyên bố ở Mỹ.
Từ khi ông Trump thắng cử, giá cổ phiếu Tesla đã tăng gần 70%, khi có hy vọng tập đoàn này sẽ hưởng lợi từ việc Giám đốc điều hành trở thành một trong những cố vấn có ảnh hưởng nhất của ông Trump.
Nhưng ngoài hy vọng của các nhà đầu tư, khó có thể chắc chắn về những lợi ích này. Thống đốc bang California thuộc đảng Dân chủ, Gavin Newsom, chỉ ra rằng Tesla có thể bỏ lỡ các khoản hoàn thuế hấp dẫn mà tiểu bang đang xem xét cho EV. Với chuỗi cung ứng phức tạp và mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ tại Trung Quốc, Tesla khó có thể tránh được thuế quan mà ông Trump đã đe dọa đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Musk cũng đã chuyển sự chú ý từ EV sang xe tự lái và AI. Nếu ông thực hiện đúng lời hứa về xe tự lái "Cybercab" của Tesla, điều này sẽ tác động sâu sắc đến ngành công nghiệp ô tô.
Rủi ro lớn nhất đối với ngành công nghiệp ô tô là một đợt gián đoạn chuỗi cung ứng mới nếu các nhà cung cấp phụ tùng nhỏ hơn phá sản do doanh số bán xe chậm.
Năm 2024, Aston Martin đổ lỗi cho tình trạng thiếu phụ tùng khiến sản xuất chậm trễ, trong khi số lượng các nhà cung cấp ô tô tại Đức phá sản ngày càng tăng.
Các nhà sản xuất ô tô lớn đã âm thầm hỗ trợ tài chính cho các nhà cung cấp đang gặp khó khăn để họ có thể duy trì hoạt động. Nhưng việc duy trì mức hỗ trợ cần thiết có thể trở nên khó khăn hơn khi các nhà sản xuất ô tô chịu áp lực do doanh số bán giảm, biên lợi nhuận bị thu hẹp và yêu cầu cắt giảm chi phí.
Hàng xa xỉ
Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Trung Quốc, động lực tăng trưởng của ngành hàng xa xỉ vốn đã chững lại kể từ khi đại dịch kết thúc. Sự phục hồi ở quốc gia này, hoặc là nhờ thị trường bất động sản được cải thiện hoặc là nhờ tác động của các biện pháp kích thích của chính phủ, sẽ giải tỏa lo ngại cho các giám đốc điều hành trong ngành hàng xa xỉ, nhưng không có gì được đảm bảo.
Nhìn chung, trong khi doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu năm 2024 không thay đổi so với năm 2023, các nhà nghiên cứu tại Bain dự kiến doanh số bán hàng xa xỉ cá nhân trong năm 2025 sẽ tăng trưởng chậm lại lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trừ đợt giảm do đại dịch vào năm 2020.
Điều này đồng nghĩa các thương hiệu sẽ phải nỗ lực hơn nhiều để thu hút khách hàng. Với việc đã đẩy giá lên mức giới hạn, nhiều thương hiệu sẽ không thể dựa vào đòn bẩy này để duy trì đà tăng trưởng. Sáng tạo hơn, tập trung trở lại vào các sản phẩm cấp thấp dành cho khách hàng trung lưu và đầu tư vào các doanh nghiệp trải nghiệm hàng xa xỉ là những hướng đi ngành này có thể thử nghiệm.
Kering đã tụt hậu so với các thương hiệu hàng xa xỉ lớn, đánh mất một thị phần lớn trong thời kỳ đại dịch bùng phát khi thương hiệu lớn nhất của họ là Gucci không còn được ưa chuộng. Khi thị trường tăng trưởng chậm lại, áp lực lên Kering tăng lên, dẫn đến cảnh báo về lợi nhuận và giảm mạnh dự báo về doanh thu. Chìa khóa cho điều này là cải thiện thương hiệu Gucci.
Một giám đốc điều hành và giám đốc sáng tạo mới đã được bổ nhiệm với nhiệm vụ xoay chuyển tình hình. Giám đốc điều hành tập đoàn, François-Henri Pinault, cho biết quá trình chuyển đổi sẽ mất thời gian, nhưng ban lãnh đạo mới đang chịu áp lực phải thực hiện việc này vào năm 2025.
Cổ phiếu của tập đoàn đang chịu sức ép khi giảm giá 40% vào năm 2024 và thương hiệu lớn thứ hai của tập đoàn là Saint Laurent cũng đang cho thấy một số dấu hiệu suy yếu.
Việc ông Trump tái đắc cử mang đến rủi ro lớn hơn nhiều về thuế quan và chiến tranh thương mại. Tổng thống đắc cử Mỹ đã đe dọa sẽ áp thuế lên tới 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ các đồng minh, trong khi hàng hóa từ Trung Quốc có thể chịu mức thuế cao hơn nhiều.
Hầu hết những người trong ngành không tin rằng họ sẽ là mục tiêu, nhưng nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump cho thấy ông là người khó đoán định và không ngại mạnh tay với các đồng minh. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã áp dụng mức thuế 25% đối với hàng loạt mặt hàng thực phẩm và đồ uống xuất khẩu của châu Âu.
Một rủi ro thậm chí còn lớn hơn đối với ngành này là suy thoái kinh tế toàn cầu nếu Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bị áp thuế cao. Điều này sẽ khiến túi xách và rượu champagne khó bán hơn nhiều.
Năng lượng tái tạo
Một số tập đoàn năng lượng tái tạo cho rằng sở hữu tư nhân là lựa chọn tốt hơn khi sự nhiệt tình của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực này đang giảm dần. ReNew, công ty có kế hoạch hủy niêm yết trên sàn Nasdaq, là một trong số đó. Hồi tháng 5/2024, công ty cung cấp các dịch vụ năng lượng đáng tin cậy, giá rẻ Allete của Mỹ đã bị Global Infrastructure Partners và CPP Investments thâu tóm với giá 6,2 tỷ USD, trong khi Brookfield và Temasek đồng ý mua công ty niêm yết tại Paris là Neoen.
Các thỏa thuận này phản ánh việc ngành năng lượng bị định giá thấp trên thị trường công khai, khi lãi suất cao gây áp lực lên lợi nhuận và thu hút các nhà đầu tư vào những nơi khác. Lãi suất đang ổn định hoặc giảm ở nhiều thị trường, nhưng giá cổ phiếu năng lượng tái tạo vẫn ở mức thấp. Điều này có thể đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều đợt hủy niêm yết hơn vào năm 2025.
Giám đốc quỹ tại M&G Investments, Michael Rae, cho biết, các nguồn vốn bên ngoài thị trường vốn chủ sở hữu chính đang định giá các tài sản này theo cách khác. Đây là những tín hiệu thú vị cho thấy thị trường vốn chủ sở hữu có thể quá thận trọng.
Là nhà đầu tư lớn vào năng lượng xanh tại Liên minh châu Âu, Mỹ và Anh, công ty năng lượng đa quốc gia RWE của Đức là doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi sang năng lượng sạch. Từ lâu, công ty đã có một số mục tiêu tham vọng nhất trong ngành, hướng đến danh mục đầu tư hơn 65 GW năng lượng xanh vào năm 2030. Nhưng vào tháng 11/2024, công ty cho biết sẽ giảm chi cho các dự án năng lượng tái tạo vào năm 2025.
Thay vào đó, công ty cho biết sẽ mua lại tới 1,5 tỷ euro (1,54 tỷ USD) cổ phiếu của mình, vốn đã giảm khoảng 30% vào năm 2024 xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020. Giải thích về quyết định này, RWE chỉ ra những rủi ro, gồm cả những tác động của việc ông Trump tái đắc cử đối với ngành điện gió ngoài khơi của Mỹ.
Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng đang đe dọa ngành năng lượng tái tạo tại Mỹ và nhiều nơi khác. Trong chiến dịch tranh cử, ông cho biết sẽ chấm dứt hoạt động sản xuất điện gió ngoài khơi ở Mỹ vào "ngày đầu tiên" của nhiệm kỳ Tổng thống và ngừng thanh toán trợ cấp cho các dự án năng lượng xanh theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán chính sách của ông đối với IRA sẽ được điều chỉnh theo những lợi ích kinh tế mà đạo luật này mang lại cho các tiểu bang thuộc đảng Cộng hòa.
Ông Trump cũng có khả năng rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 như ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên. Nhu cầu về điện carbon thấp từ các tập đoàn công nghệ lớn là nguồn hỗ trợ quan trọng cho ngành này do giúp chi phí pin và tấm pin Mặt Trời giảm mạnh. Các mối đe dọa tăng thuế quan của ông Trump có thể đẩy cao giá thiết bị chủ chốt tại nhiều thị trường.