Các hội nghị tài chính ở Washington bàn về bế tắc ngân sách

Tại hội nghị của các quan chức tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong hai ngày 10-11/10 cũng như Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong các ngày 11-13/10 đều diễn ra tại Washington, chủ đề thảo luận chính là bế tắc chính trị tại Mỹ xung quanh vấn đề ngân sách và trần nợ, với những cảnh báo được đưa ra về những ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu nếu nước Mỹ vỡ nợ.



Bế tắc ngân sách tại Mỹ là chủ đề thảo luận chính tại các hội nghị tài chính. Ảnh minh họa


Giới chức tài chính các nước G20 lo ngại rằng việc Quốc hội Mỹ không đạt thỏa thuận nâng trần nợ công từ mức 16,7 nghìn tỷ USD hiện nay sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Bộ Tài chính Mỹ cũng cảnh báo về khả năng cạn tiền nếu trần nợ không kịp thời được nâng lên trước ngày 17/10 tới, với hậu quả sau đó có thể sẽ là một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, rủi ro đó phần nào giảm bớt sau khi các nghị sỹ đảng Cộng hòa ngày 10/10 đã đề xuất lên Tổng thống Barack Obama giải pháp nâng trần nợ trong ngắn hạn. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke tối 10/10 cũng đã khẳng định trước những người đồng cấp tham dự hội nghị rằng một giải pháp sẽ được đưa ra kịp thời.

Trong khi đó, trước thềm hội nghị thường niên của IMF và WB, các quan chức tài chính từ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ Latinh cùng Tổng giám đốc IMF và Chủ tịch WB cũng đã đồng tình kêu gọi Mỹ nhanh chóng vượt qua bế tắc chính trị hiện nay xung quanh vấn đề ngân sách và trần nợ để tránh gây ra những ảnh hưởng tai hại đến kinh tế thế giới.

Nguy cơ vỡ nợ của Mỹ gia tăng trong những ngày gần đây, phủ bóng đen lên triển vọng chưa vững chắc của kinh tế toàn cầu. Tuần này, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, bởi thực tế là sự phục hồi ở các nền kinh tế phát triển, trong đó có Mỹ, sẽ không bù đắp được cho sự suy giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi.

Bên cạnh đó, IMF cũng cảnh báo về sự ổn định tài chính của toàn cầu nếu Nhật Bản thất bại trong các cải cách cơ cấu và tài chính cũng như việc Mỹ rút dần các biện pháp kích thích kinh tế. Thiết chế tài chính này cho rằng nếu Nhật Bản không thực thi đầy đủ các cải cách thì giảm phát sẽ trở lại và lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ của các ngân hàng sẽ tăng lên. Trong khi đó, việc Mỹ giảm quy mô chương trình mua trái phiếu sẽ dẫn đến việc lãi suất dài hạn tăng và dòng vốn bị tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi.



Lê Minh (Tổng hợp)

Ngân sách Mỹ bắt đầu bị cắt giảm 85 tỷ USD/năm
Ngân sách Mỹ bắt đầu bị cắt giảm 85 tỷ USD/năm

Một ngày sau khi quy trách nhiệm cho phe Cộng hòa tại Quốc hội, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký sắc lệnh cắt giảm 85 tỷ USD ngân sách tài khóa 2013.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN