Đại diện của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, Chi nhánh Phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn (PVNDB), nhà cung cấp của Petrolimex và là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vừa xác nhận vẫn cấp hàng bình thường trong tháng 8 và không cấp hàng trong các tháng 9 và 10. Như vậy trong hai tháng 9 và 10 tới đây, Petrolimex sẽ bị thiếu hụt toàn bộ lượng xăng 92, xăng 95 và DO 0.05% đã ký với PVNDB.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2023, Petrolimex đã biết về kế hoạch bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nên đã chủ động lập kế hoạch đảm bảo nguồn. Đến thời điểm này, Petrolimex đã ký hợp đồng mua hàng nhập khẩu, bổ sung toàn bộ lượng hàng thiếu hụt khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bảo dưỡng bắt đầu từ ngày 25/8 và dự kiến kéo dài trong 55 ngày.
Chủ tịch Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) Cao Hoài Dương cũng cho biết, kế hoạch bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã được thông báo từ đầu năm. Vì vậy, PVOIL đã chủ động kế hoạch nhập khẩu sản phẩm xăng dầu các loại ngay từ đầu năm để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Ông Dương cũng cho biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và hai nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Nghi Sơn đều phối hợp chặt chẽ để tránh việc ngừng máy phục vụ bảo dưỡng tổng thể trong cùng một thời điểm. Vì vậy, việc ngừng hoạt động của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để bảo dưỡng định kỳ lần này hoàn toàn bình thường và PVOIL đều chủ động kế hoạch nhập khẩu bù đắp nguồn hàng thiếu hụt từ Nghi Sơn.
Lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)-đơn vị quản lý vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng cho biết, hiện nhà máy đang chạy với công suất cao và có thể lên tới 110% công suất thiết kế để đáp ứng nhu cầu xăng dầu của thị trường. BSR cũng đã chủ động kế hoạch đảm bảo nguồn nguyên liệu dầu thô cho Nhà máy. Tại thời điểm hiện tại, lượng dầu thô nguyên liệu dự trữ của BSR đảm bảo cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động với công suất cao trong cả quý III và IV.
Theo ông So Hasegawa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), để giảm thiểu tác động của việc tạm dừng sản xuất trong thời giankhoảng 55 ngày, NSRP đã chủ động triển khai sớm các phương án tối ưu nhằm xúc tiến khẩn trương quá trình bảo dưỡng, giảm thiểu thời gian bảo dưỡng mà vẫn đảm bảo chất lượng của công tác bảo dưỡng. Cùng với đó, NSRP đang phối hợp và làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan để đảm bảo công tác bảo dưỡng tổng thể của nhà máy không ảnh hưởng tới hoạt động của thị trường xăng dầu trong nước cũng như người tiêu dùng.
Năm 2023, kế hoạch công suất của NSRP đề ra là 79,6% (do có gần 2 tháng bảo dưỡng tổng thể), tương ứng với khoảng 7,96 triệu tấn dầu thô sẽ được chế biến. Hiện sản phẩm xăng dầu của NSRP đáp ứng khoảng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước.