Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 21/4, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở CHLB Đức, chương trình giao thương, kết nối doanh nghiệp đã được tổ chức thành công với sự tham dự của Đại sứ Vũ Quang Minh; ông Nguyễn Mạnh Hải, Tham tán phụ trách bộ phận Đầu tư Đại sứ quán Việt Nam; bà Đỗ Việt Hà, đại diện Thương vụ Việt Nam; Ngôi nhà Đức (Deutsches Haus) cùng đại diện các doanh nghiệp Đức như Weber & Schaer GmbH, Blickle Räder+Rollen GmbH, VLK EuropeConsult GmbH, GLB Germany GmbH… và 15 doanh nghiệp xuất khẩu cao su uy tín của Việt Nam.
Phát biểu chào mừng, Đại sứ Vũ Quang Minh nhấn mạnh quan hệ tốt đẹp giữa hai nước đang ngày càng phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực, đặc biệt sau hơn 10 năm thực hiện thành công đối tác chiến lược Việt Nam-Đức. Hiện Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á.
Đại sứ đánh giá cao sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam, khẳng định khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngày càng mạnh, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Với tiềm năng của thị trường rất lớn, Đại sứ bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội để chinh phục được thị trường rất khó tính nhưng đầy tiềm năng này.
Ông Huỳnh Văn Bảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết ngành cao su Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp cao su nói riêng trong những năm gần đây đã đạt được những thành quả tích cực mặc dù trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành bao gồm cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su, gỗ cao su đạt khoảng 10,4 tỷ USD trong năm 2022, chiếm 2,8% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, tăng 9,1% so với năm 2021. Theo Hiệp hội, trong năm 2023 toàn ngành cao su Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 11,1 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2022.
Bà Phan Trần Hồng Vân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết diện tích trồng cây cao su Việt Nam hiện có 929,5 nghìn hecta, chiếm 7,2% tổng diện tích cao su toàn cầu. Năng suất bình quân của cao su Việt Nam đạt 1.720kg/ha, đứng thứ nhất châu Á. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cao su lớn thứ ba thế giới, chiếm 17,4% tổng thương mại cao su toàn cầu.
Đại diện Thương vụ, bà Đỗ Việt Hà chia sẻ một số thông tin về thị trường cao su Đức và EU. Ngành cao su là ngành công nghiệp rất quan trọng của Đức, cung cấp các sản phẩm cho ngành công nghiệp ô tô, cơ khí, xây dựng… Nhu cầu nhập khẩu cao su thiên nhiên và các sản phẩm cao su của Đức rất lớn.
Trong năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su thiên nhiên lớn thứ tư cho Đức, với 40,58 nghìn tấn, trị giá 84,25 triệu USD (theo số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế ITC). Đức là thị trường lớn, đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm nên các doanh nghiệp nên nghiên cứu kĩ các tiêu chuẩn kĩ thuật của EU đối với sản phẩm cao su. Ví dụ như quy định về gắn mác CE, tính an toàn sản phẩm, ghi nhãn, đóng gói, và đặc biệt là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, Tham tán Đầu tư, Đức nằm trong số ba nhà đầu tư hàng đầu của EU tại Việt Nam, với 442 dự án FDI đang còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 2,35 tỷ USD tại thời điểm cuối quý I/2023. Hiệp định EVFTA tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác liên doanh sản xuất sản phẩm cao su khi thuế nhập khẩu các nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị vào Việt Nam, giảm dần đến mức 0%.
Theo đó, phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su để nâng cao giá trị gia tăng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm của ngành, thúc đẩy ngành cao su tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, từ khâu cung cấp nguyên liệu đến sản xuất thành phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong thời gian tới, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) đang chờ Quốc hội các nước thành viên EU thông qua sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho thương mại và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với EU nói chung và Đức nói riêng.
Tại buổi giao thương, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Đức đã có những trao đổi rất cụ thể về các nhu cầu nhập khẩu cao su và sản phẩm cao su. Ông Tobias Boysen, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Weber & Schaer GmbH & Co.KG - Tập đoàn phân phối, bán buôn cao su thiên nhiên, các sản phẩm cao su lớn của Đức đánh giá cao về chất lượng sản phẩm cao su của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cao su Việt đã đạt được các chứng chỉ quốc tế về tính bền vững như FSC, PEFC… Tập đoàn Weber & Schaer cho biết sẽ tăng sản lượng nhập khẩu cao su thiên nhiên, cao su latex, các sản phẩm cao su Việt Nam.
Ông Martin Sülzle, Trưởng bộ phận nhập khẩu của Tập đoàn Blickle Räder & Rollen - tập đoàn phân phối bánh xe các loại, có chi nhánh tại 120 quốc gia trên thế giới cho biết đang có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm cao su, phụ kiện làm từ cao su của Việt Nam và có kế hoạch hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.
Cũng trong khuôn khổ chương trình xúc tiến, đoàn Hiệp hội Cao su Việt Nam sẽ có buổi làm việc, thăm nhà máy sản xuất lốp xe Continental AG - Tập đoàn sản xuất phụ tùng ô tô đa quốc gia của Đức, nhà sản xuất lốp xe lớn thứ 4 trên thế giới. Ngoài ra, đoàn sẽ đến thăm trụ sở của Weber & Schaer và Corrie Maccoll tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu sản phẩm, xu hướng thị trường cho ngành xuất khẩu cao su Việt Nam.