Các địa phương khống chế, dập tắt dịch bệnh trên đàn gia súc

Tính đến ngày 10/5, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai đã khống chế dập tắt được dịch tả lợn châu Phi. Xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn cũng đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh và đang làm thủ tục công bố hết dịch.

Đây là thông tin được Chánh văn phòng UBND tỉnh Lào Cai Phan Quốc Nghĩa cung cấp tại cuộc gặp mặt báo chí do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức ngày 10/5. 

Chú thích ảnh
Cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Bảo Thắng. Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN

Để phòng, chống dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai đã cấp cho huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương và thành phố Lào Cai trên 4.000 lít hóa chất phục vụ cho tháng khử trùng, tiêu độc và xử lý ổ dịch, môi trường chăn nuôi; cấp cho các huyện, thành phố, thị xã 150 quyển sổ tay tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi; 1.300 tờ rơi hướng dẫn tiêu huỷ lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, tính đến ngày 5/5, tỉnh Lào Cai đã tiến hành tiêu hủy 635 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi, với tổng khối lượng trên 21.000 kg.

Cụ thể, từ ngày 25/2 - 5/5, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 131 hộ thuộc 24 thôn, tổ dân phố của 11 xã, thị trấn trên địa bàn 4 huyện, thành phố của tỉnh Lào Cai là: Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương và thành phố Lào Cai. Riêng tuần từ 3/3 - 9/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 49 hộ làm cho 260 con lợn mắc bệnh, phải tiêu hủy với tổng khối lượng lên tới gần 9.000 kg. 

Nguyên nhân dịch bệnh tái phát được các cơ quan xác định là do người chăn nuôi mua lợn giống mang mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi; vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm mầm bệnh. Các hộ chăn nuôi chưa chú trọng áp dụng các biện pháp cách ly, an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện phối giống lợn trực tiếp để mầm bệnh nhiễm vào đàn lợn của mình.

Để nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn, không để lây nhiễm trên diện rộng, UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các địa phương tích cực triển khai các biện pháp chống dịch; tiến hành chôn huỷ lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và toàn bộ đàn lợn bị mắc bệnh, tổ chức khử trùng tiêu độc môi trường, xử lý ổ dịch; giám sát chặt chẽ ổ dịch, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng.

Cùng với đó, các hộ chăn nuôi cần áp dụng triệt để biện pháp phòng bệnh; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất khử trùng theo quy định. Các lực lượng chức năng tăng cường triển khai thực hiện nghiêm kiểm soát động vật, sản phẩm động vật tại các trạm kiếm soát ra vào địa phương

*Nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Trị đã và đang phải tập trung phòng, chống dịch bệnh kép trên đàn gia súc, khi bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đã lây lan nhanh còn dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại ở nhiều nơi.

Tại thành phố Đông Hà, vào đầu tháng 5/2021 cơ quan chức năng đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện ở một hộ nuôi 6 con lợn trên địa bàn khu phố 1 thuộc phường 3. Trong khi đó, đàn bò ở thành phố Đông Hà mắc bệnh viêm da nổi cục ngày càng tăng. Đến nay, địa phương này đã ghi nhận 154 con bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục tập trung ở các phường: Đông Thanh, Đông Giang, Đông Lương.

Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch tả lợn châu Phi cũng đã xảy ra tại 11 xã, thị trấn ở huyện Vĩnh Linh, khiến cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy hàng trăm con lợn. Ngoài ra bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đã lây lan ra 9 xã, thị trấn trên địa huyện Vĩnh Linh với hàng trăm con mắc bệnh.

Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ cuối năm 2020, đến nay đã lây lan ra 43 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện gồm: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hướng Hóa và thành phố Đông Hà. Tổng số trâu bò mắc bệnh này đã lên đến trên 750 con.

Dịch tả lợn châu Phi cũng đã tái xuất hiện ở các huyện: Cam Lộ, Triệu Phong, Hướng Hóa. Nguyên nhân là do nhiều hộ tái đàn lợn nhưng không đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, nhiều hộ chăn nuôi cũng không chấp hành việc tiêm phòng khẩn cấp vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò.

Ngành thú y tỉnh Quảng Trị đã và đang phối hợp với các địa phương tăng cường triển khai nhiều giải pháp để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc; trong đó, tập trung tổng vệ sinh, phun hóa chất khử trùng chuồng trại, vùng có dịch và nguy có cao; đẩy mạnh quản lý, giám sát và triển khai tiêm vắc xin cho đàn gia súc; hướng dẫn hộ chăn nuôi phương pháp đảm bảo các tiêu chí vệ sinh trong chăn nuôi và giết mổ, vận chuyển lợn, trâu, bò.

Bên cạnh đó, ngành thú y tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc như: không sử dụng sản phẩm từ lợn, trâu, bò không rõ nguồn gốc chưa qua kiểm dịch, không giấu dịch bệnh trên vật nuôi… 

Hương Thu – Nguyên Lý (TTXVN)
Giám sát, xử lý sớm gia súc có biểu hiện bệnh viêm da nổi cục tại Ninh Bình
Giám sát, xử lý sớm gia súc có biểu hiện bệnh viêm da nổi cục tại Ninh Bình

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, tỉnh Ninh Bình đã trích ngân sách mua 30.000 liều vaccine hỗ trợ các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện tiêm phòng trên diện rộng để phòng dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN