Ca cao khó thay cà phê già cỗi

Một hướng đi mới đang mở ra đối với việc xử lý diện tích cà phê già cỗi ở Tây Nguyên: Chuyển một phần sang trồng cây ca cao, thay vì trồng lại cà phê. Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, việc chuyển đổi này khó khả thi trong thời điểm hiện nay.


Lãi suất vốn tái canh cà phê còn cao


Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, tổng diện tích cà phê trên 20 năm hiện đã lên tới 86.000 ha, ngoài ra còn có trên 40.000 ha cà phê dưới 20 năm nhưng có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, nhiều cành không cho quả khiến năng suất và chất lượng quả rất thấp. Tổng diện tích cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 - 10 năm tới là khoảng 140.000 - 160.000 ha.

Vườn cây ca cao chuẩn bị cho thu hoạch của một hộ dân ở xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh:Lê Lâm- TTXVN


Theo tính toán, để tái canh một ha cà phê, các nông hộ và doanh nghiệp cần từ 120 - 150 triệu đồng. Như vậy, để tái canh 126.000 ha cà phê già cỗi, cần khoản kinh phí ít nhất lên đến trên 15.000 tỷ đồng. NHNN đã cam kết dành một gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho chương trình này tại Tây Nguyên, với lãi suất cho vay 10 - 10,5%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này là quá cao đối với người dân và doanh nghiệp sản xuất cà phê.


Trong bối cảnh chương trình tái canh cà phê còn gặp nhiều rào cản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xem xét chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi ở các tỉnh Tây Nguyên sang trồng cây ca cao.


Ông Lê Quốc Doanh cho biết, cây ca cao được trồng ở Việt Nam từ năm 2004 - 2005 nhưng chủ yếu là trồng xen với những cây trồng khác như dừa, điều, cao su. Phương án thế cây ca cao vào chỗ cây cà phê già cỗi được Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam và Cục Trồng trọt ủng hộ.


Chưa hấp dẫn người dân


Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi quyết định phương án chuyển diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất thấp sang trồng ca cao thì ngành nông nghiệp và các địa phương vùng Tây Nguyên cần xem xét, nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên xem có phù hợp hay không, giá cả có ổn định và đảm bảo lợi nhuận cho người dân hay không.


Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây đã có khoảng 3.000 ha ca cao bị người dân chặt bỏ. Nguyên nhân là do giá hạt ca cao không ổn định, ca cao được trồng ở vùng đất không thích hợp nên năng suất không cao.


Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng, phương án chuyển đổi cây trồng theo hướng này khó khả thi. Theo ông Báu, điều kiện sinh thái vùng Tây Nguyên khá thuận lợi cho cây ca cao phát triển; cung trên thị trường thế giới chưa đáp ứng được cầu. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với việc chuyển đổi này là người dân chưa có đủ kinh nghiệm cũng như những kiến thức về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ca cao, đặc biệt là loài bọ xít muỗi. Ở một số vùng, năng suất ca cao có thể đạt 2,5 tấn hạt/ha nhưng phổ biến chỉ ở mức 1 tấn/ha. Nếu chỉ đạt năng suất ở mức này thì hạt ca cao của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Theo ông Báu, hiện nay tại Bình Phước và một số tỉnh Tây Nguyên vẫn đang diễn ra tình trạng người dân chặt phá ca cao chuyển sang trồng các loại cây khác. “Với giá bán ca cao như hiện nay thì nông dân chỉ thu được 40 triệu đồng/tấn/ha, có thời điểm mức giá còn thấp hơn nữa. Trong khi đó, nếu trồng ngô, người dân cũng có thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ha mà lại đỡ vất vả hơn. Do đó, nhiều người dân đã bỏ ca cao chuyển sang trồng ngô, sắn”, ông Báu cho biết.

 

Theo ông Phan Văn Khổng, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Bến Tre, giá bán ca cao không ổn định cũng khiến cho việc mở rộng diện tích loại cây trồng này gặp khó khăn. Đầu năm nay, giá ca cao chỉ ở mức 3.000 đồng/kg quả tươi, trong khi đó, theo tính toán giá phải ở mức 5.000 đồng thì nông dân mới không từ bỏ loại cây trồng này. Đến thời điểm này, giá ca cao đã tăng lên 4.700 đồng/kg quả tươi nhưng mới chỉ giúp người trồng hòa vốn.
Như vậy, để việc chuyển đổi sang cây trồng này thành công, ngành nông nghiệp cần có chương trình nghiên cứu dài hơi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, chọn giống phù hợp, xử lý sâu bệnh trên cây ca cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải đưa ra một mức giá đảm bảo cho nông dân có lãi.

“Mặc dù thị trường thế giới có nhu cầu rất lớn đối với mặt hàng hạt ca cao nhưng các nhà nhập khẩu luôn khống chế được giá từ các nước xuất khẩu. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp trong nước khó có thể nâng giá thu mua loại nông sản này”.

Ông Lê Ngọc Báu

Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN