Brexit ít ảnh hưởng đến kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Đây là ý kiến chung của nhiều chuyên gia tại Hội thảo khoa học quốc tế "Brexit và các tác động đến khu vực Việt Nam", do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 28/11, tại Hà Nội.

Các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế cho rằng, tuy sự ảnh hưởng của Brexit tới các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương là rất hạn chế; song các quốc gia có sự phụ thuộc lớn vào nước Anh về xuất khẩu như Sri Lanka, Campuchia, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan sẽ phải ban hành nhiều chính sách năng động để hỗ trợ cho việc thương thảo các thỏa thuận thương mại mới với nước Anh; tìm kiếm, phát triển các thị trường mới trong các quốc gia thuộc khối EU còn lại.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Liên minh châu Âu là một đối tác quan trọng, thị trường hàng đầu của Việt Nam; đồng thời là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất.

Sự kiện người dân bỏ phiếu tán thành việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit đã thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới. Sau hơn 40 năm là thành viên của EU, Brexit có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với sự phát triển của Vương quốc Anh nói riêng và Liên minh châu Âu nói chung. Bên cạnh những tác động về kinh tế, Brexit còn có ảnh hưởng to lớn đến các vấn đề chính trị ở nước Anh và tiến trình liên kết ở Liên minh châu Âu, cũng như các vấn đề xã hội của cả hai bên.

Chia sẻ về Brexit và những ảnh hưởng của nó tới các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Huyền, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, khu vực châu Á - Thái Bình Dương ít bị ảnh hưởng bởi Brexit vì trong ngắn hạn các quốc gia ở khu vực này không bị lệ thuộc vào xuất khẩu tới nước Anh. Nhiều học giả cũng cho rằng trong ngắn hạn các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương không cần lo lắng nhiều về ảnh hưởng của Brexit. Tuy nhiên, về dài hạn Brexit có thể làm tăng trưởng thương mại toàn cầu vốn đang trong chiều hướng giảm lại tiếp tục giảm.

Dưới chính sách về thương mại của Liên minh châu Âu, các quốc gia đang phát triển có được những thuận lợi trong tiếp cận các thị trường của Liên minh châu Âu - nơi có gần 2/3 các sản phẩm nhập khẩu được áp dụng mức thuế quan thấp cho các nhà xuất khẩu ở quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, có một hệ thống cho phép nhập khẩu miễn thuế và không hạn chế số lượng các loại hàng hóa trừ vũ khí cho các quốc gia đang phát triển.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng tập trung đánh giá những nguyên nhân dẫn tới Brexit; các tác động của Brexit đối với Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh trên một số góc độ kinh tế, chính trị, xã hội; phân tích các tác động của Brexit đến tiến trình hội nhập ở Đông Nam Á; các mối quan hệ giữa Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu và các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra một số dự báo về xu hướng phát triển ở Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh giai đoạn hậu Brexit; mối quan hệ giữa Việt Nam và hai đối tác này.

Lý Thanh Hương (TTXVN)
WTO: Brexit 'cứng' không phải là 'tận thế' với nước Anh
WTO: Brexit 'cứng' không phải là 'tận thế' với nước Anh

Trong một phát biểu mới đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo cho rằng dù nước Anh không thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) sau khi rời khỏi khối, hay còn gọi là Brexit “cứng”, thì cũng không phải là “tận thế”, nhưng London sẽ vẫn phải trả giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN