Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết đang triển khai thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại (tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu) doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1479/QĐ-TT9 ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025.
Cụ thể, Bộ Xây dựng phấn đấu hoàn thành thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng và Tổng công ty Viglacera – CTCP. Đồng thời, Bộ cũng phê duyệt Đề án cơ cấu lại, Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM).
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng tập trung đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp thuộc đối tượng; xử lý các tồn tại về cổ phần hóa, quyết toán vốn nhà nước chuyển sang công ty cổ phần; thực hiện các công việc thuộc chức năng của chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành theo tinh thần Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Đậu Minh Thanh, thực hiện Quyết định số 1479, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 382/QĐ-BXD ngày 11/4/2023 về Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 - 2025.
Trong 2 quý đầu của năm 2023, Bộ Xây dựng đã phê duyệt kế hoạch, triển khai lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá và tư vấn lập phương án thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Viglacera và Tổng công ty cổ phần Sông Hồng; hoàn thành thẩm định, cho ý kiến đối với Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (LILAMA), Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (COMA).
Hiện Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung rà soát, thực hiện phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp; xử lý vướng mắc để thực hiện quyết toán vốn nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần các Tổng công ty: Sông Đà, Vật liệu Xây dựng số 1 (FICO), COMA.
Đánh giá về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trực thuộc, Bộ Xây dựng nhận định, từ đầu năm đến nay, do tình hình thị trường bất động sản khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cả khối xây lắp.
Nhiều dự án, công trình chậm triển khai, giãn tiến độ, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, dẫn đến tiêu thụ sản phẩm của khối doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng rất chậm, tồn kho tăng cao, tồn đọng vốn.
Do đó, các chỉ tiêu thực hiện của 2 quý đầu năm đều giảm so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch được giao. Tổng giá trị sản xuất kinh doanh đạt khoảng 34.978,6 tỷ đồng, bằng 84,5% so cùng kỳ và bằng 43,3% so kế hoạch năm 2023. Doanh thu đạt 32.326,8 tỷ đồng, bằng 82% so cùng kỳ và bằng 42% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế cũng chỉ đạt 2.365,9 tỷ đồng, bằng 46,0% so với cùng kỳ và bằng 67% so với kế hoạch.