Trong phát biểu trước Ủy ban Doanh nghiệp nhỏ của Thượng viện Mỹ nhằm đánh giá về tiến bộ của chương trình cho vay của liên bang, Bộ trưởng Mnuchin khẳng định tình hình việc làm và các dữ liệu kinh tế khác cho thấy Mỹ đang sẵn sàng cho việc mở cửa kinh tế theo từng giai đoạn.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong việc xin hỗ trợ vay do lỗi kỹ thuật, trong khi các công ty có tài chính mạnh lại có thể tiếp cận chương trình. Bộ trưởng Mnuchin khẳng định do quy mô lớn nên chương trình đã gặp phải một số vấn đề, song chính quyền đã xử lý kịp thời. Ông nêu rõ chương trình này đang hỗ trợ việc làm cho 50 triệu người lao động và hơn 75% tiền lương của doanh nghiệp nhỏ tại 50 bang.
Dù nhận định của Bộ trưởng Mnuchin khá lạc quan, song tình hình kinh tế Mỹ vẫn chưa thật sự khởi sắc. Trong khi số liệu việc làm của tháng 5 bất ngờ cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 13,3%. Quá trình phục hồi về trước khi dịch bệnh bùng phát dự kiến sẽ mất nhiều năm.
Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho hay lạm phát tiếp tục giảm trong tháng 5, nhưng chậm hơn so với tháng trước do xu hướng giảm giá ở một số lĩnh vực đã trở nên vừa phải.
Cụ thể, chỉ số tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã giảm 0,1% trong tháng 5, ít hơn so với dự báo của các nhà phân tích. Đây là tháng thứ 3 giảm liên tiếp và là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu dè dặt trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chật vật ứng phó với tình trạng gián đoạn do dịch bệnh.
Theo Oxford Economics, dữ liệu trên đã phản ánh tác động lớn của dịch bệnh đối với giá cả hàng hóa do cú sốc về nhu cầu, giá dầu lao dốc và đồng USD mạnh. Tình hình lạm phát sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thêm quyết tâm bơm tiền vào nền kinh tế để xoa dịu các cú sốc do dịch bệnh.
Đầu tuần này, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm 6,1% trong năm nay. Trong khi đó, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) cho hay kinh tế Mỹ đã chính thức bước vào suy thoái từ tháng 2 vừa qua, chấm dứt giai đoạn tăng trưởng dài nhất từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo NBER, sự sụt giảm nghiêm trọng chưa từng thấy về việc làm và sản xuất, cũng như toàn bộ nền kinh tế là những yếu tố xác định kinh tế Mỹ giai đoạn này là suy thoái. NBER lưu ý các biện pháp giãn cách xã hội nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 gây thiệt hại ở nhiều phương diện, từ ngành hàng không đến du lịch, nhà hàng…