“Dự báo này thấp hơn mục tiêu 6,5% trong năm nay, nhưng để đạt được mức này là phải sự nỗ lực rất lớn, đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị và cả địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Nếu GDP đạt mức này, đây sẽ là năm thứ hai tăng trưởng GDP của Việt Nam không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng, Năm 2020, GDP tăng trưởng 2,92% do chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu chung của kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho rằng, giãn cách xã hội đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, tình hình lao động, việc làm. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ cho công tác chống dịch lớn, ảnh hưởng đến thu - chi ngân sách. Dịch cũng ảnh hưởng đến tình hình thành lập doanh nghiệp, thu hút FDI…
Đặc biệt, tiêu thụ nội địa sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn do sức mua thấp; giá đầu vào (thức ăn chăn nuôi) tăng ảnh hưởng đến tâm lý mở rộng sản xuất và tái đàn. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng do nguyên liệu nhập khẩu khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi.
Trước những khó khăn trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, các địa phương cần tận dụng, bắt kịp đà phục hồi của những nền kinh tế lớn, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam. Cơ cấu lại nhanh nền kinh tế, tiếp tục thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, thêm yếu tố đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng góp ý với một số địa phương tăng trưởng cao nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… Bộ trưởng cho rằng không thể dựa vào 1-2 doanh nghiệp lớn, mà cần thận trọng về vấn đề này.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra những giải pháp căn bản. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là các địa phương tập trung thực hiện tốt phòng chống dịch, không để bùng phát trở lại dẫn đến giản cách xã hội, làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng.
"Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, tuy nhiên, nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không, phụ thuộc vào các bộ, ngành vì một số giải pháp được giao cho các bộ nghiên cứu, xem xét để ban hành”, Bộ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường chương trình phối hợp gặp gỡ đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bám sát bối cảnh và xu thế mới để dự báo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả đầu tư công.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong lúc khó khăn của dịch bệnh như hiện nay, thái độ của chính quyền địa phương với doanh nghiệp còn quan trọng hơn cả những hỗ trợ nêu trên.
Cùng với đó, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế của địa phương, tranh thủ cơ hội mới, xu thế mới của thế giới để đạt các chỉ tiêu tăng trưởng, đóng góp cho tăng trưởng chung của đất nước…