Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về những kết quả mà ngành đạt được và những dư địa phát triển cho năm bản lề hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025.
Siêu bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong năm 2024. Mặc dù vậy, ngành vẫn vượt qua khó khăn để đạt những kết quả tích cực về tăng trưởng và xuất khẩu. Bộ trưởng có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong điều hành để đạt kết quả trên?
Mặc dù bị thiệt hại nặng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành trong năm 2024 vẫn đạt kết quả cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và thặng dư thương mại toàn ngành lập kỷ lục mới, lần lượt đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% và 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.
Những kết quả ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt được trong năm qua, đầu tiên phải trân quý người nông dân, nhất là những người đã chịu tổn thất nặng nề sau cơn bão số 3. Những thắng lợi của ngành chính là những nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay các bộ, ngành khác chỉ tạo ra sự kết nối trong chuỗi sản xuất.
Thành quả của ngành phải kể đến sự năng động của các địa phương trong việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Việc chuyển đổi này đã có sự thẩm thấu vào sâu trong xã hội. Nông dân biết sản xuất phải theo thị trường; hiểu tư duy kinh tế là tư duy thị trường. Các địa phương cũng không chỉ có chỉ đạo sản xuất mà còn kết nối thị trường. Thúc đẩy được thị trường tức là tháo gỡ được cho điểm nghẽn trong sản xuất.
Năm 2024, nhiều festival, hội chợ kết nối giao thương đã được tổ chức ở khắp các địa phương, vùng miền từ Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương, đến Tây Nguyên, hay Đông Nam Bộ... Các địa phương đều năng động và chủ động kết nối thị trường. Nông dân cũng đã hiểu được rằng thị trường rất đa dạng. Mỗi thị trường đều có tiêu chuẩn, quy chuẩn, có những điều kiện, những hàng rào kỹ thuật riêng.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hay các bộ, ngành, cơ quan xúc tiến thương mại đã kịp thời được truyền tải đến địa phương và nông dân.
Câu chuyện giờ không chỉ đơn giản là chỉ sản xuất và mua bán mà đã định hình được thói quen sản xuất theo thị trường. Tức là bán thứ thị trường cần, chứ không phải bán cái sản xuất được, tức là đã biến sản phẩm thành thương phẩm.
Bên cạnh đó, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và nông dân trong việc vừa phát triển những thị trường truyền thống, vừa mở ra những thị trường mới, để nông sản Việt Nam không gặp rủi ro ở bất cứ thị trường nào. Nhờ đó, ngành có tăng trưởng tốt, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới 62,5 tỷ USD.
Cũng trong năm 2024, ngành đã đạt được những kết quả tích cực trong việc mở cửa thị trường. Theo Bộ trưởng, ngành cũng như các địa phương, doanh nghiệp và nông dân cần triển khai tiếp những giải pháp xúc tiến thương mại gì để duy trì thành quả này?
Kết quả đáng tự hào của ngành trong năm qua đến từ sự lãnh đạo, điều hành sát sao, xuyên suốt của Đảng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của các bộ, ngành trung ương và địa phương, cùng nhau chuyển đổi tư duy, cùng nhau hành động, chung tay kết nối, quảng bá, xúc tiến sâu rộng thương mại nông sản cả trong, ngoài nước.
Các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng rất năng động, vượt khó; hợp tác xã, người sản xuất, nông dân chủ động thay đổi, thích ứng linh hoạt với xu thế mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đặc biệt là việc mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: thị trường thực phẩm Halal của các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi... với phương châm là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường.
Sản xuất theo thị trường tức là các địa phương, doanh nghiệp và nông dân phải thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương để triển khai chủ động, hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, các hiệp định khu vực và song phương với các nước. Bộ cùng các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu thị trường và truyền tải hiệu quả tới cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, các địa phương. Đồng thời, hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.
Nhiều sản phẩm như rau quả, gạo, cà phê… đã ghi dấu ấn xuất khẩu đạt kỷ lục mới trong năm 2024. Xin Bộ trưởng chia sẻ những dư địa để ngành tăng trưởng và gia tăng giá trị xuất khẩu trong thời gian tới?
Ngành nông nghiệp còn nhiều khó khăn, nhưng cũng phải thấy rằng ngành còn nhiều tiềm năng, sự lạc quan. Ngành còn chưa khai thác hết những gì đang có.
Nông nghiệp Việt Nam đang phát triển theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, nhưng sự tuần hoàn này mới bắt đầu một cách sơ khai. Việt Nam vẫn bán thô hạt gạo, trong khi bên cạnh hạt gạo còn chấu, cám, rơm… Tất cả các sản phẩm đều có thể tạo ra các sản phẩm như giá thể cho cây trồng, viên nén… hay việc kết hợp với các chế phẩm sinh học để tạo ra phân bón hữu cơ, tái tạo lại đất trồng.
Nếu chỉ nhìn vào giá trị của một nông sản thì đó vẫn chỉ là sự khai phá tầng thấp nhất trong chuỗi giá trị - bán thô sản phẩm.
Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây chính là sản phẩm giúp Việt Nam gia tăng giá trị sản phẩm.
Hay với cà phê, nước cà phê được tạo ra chỉ chiếm 0,02% hạt cà phê, còn hơn 98,8% vẫn chủ yếu bỏ đi. Với tư duy mới, cà phê cần được khai thác phần bỏ đi này bằng kinh tế tuần hoàn. Trung Quốc làm giá thể từ phần cà phê bỏ đi để trồng nấm. Thứ bỏ đi sau khi trồng nấm được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Đây chính là nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh.
Bởi vậy, nếu chỉ nhìn cục bộ, đơn ngành, rất khó để tăng giá trị cho nông sản. Theo tôi cần tạo ra nhiều sản phẩm hơn từ một sản phẩm, thay vì bỏ đi và phải tốn thêm công xử lý để bảo vệ môi trường, nông nghiệp tuần hoàn sẽ không bỏ đi thứ gì. Nông nghiệp tiến tới không còn rác.
Nhìn lại, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Năm 2025 là năm cuối thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước do Đại hội XIII của Đảng đề ra. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai những kế hoạch gì để đánh dấu thành công cho năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021- 2025?
Đến thời điểm này, tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã vượt xa mục tiêu của nhiệm kỳ 2021-2025. Ngành nông nghiệp phải định hướng những nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới để tăng tốc, đột phá hơn nữa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2025 mở ra chương mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam, với nhiều cơ hội lớn và hàng loạt thách thức. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn chủ đề 2025 là “Thích ứng linh hoạt - Khơi thông nguồn lực - Tăng tốc bứt phá”. Đây không chỉ là thông điệp hành động, mà còn là quyết tâm mạnh mẽ của toàn ngành.
Thích ứng linh hoạt là cách thức để vượt qua khó khăn và tận dụng các cơ hội mới. Khơi thông nguồn lực cả nguồn lực bên trong và bên ngoài, là động lực tăng trưởng, phát triển bền vững. Tăng tốc bứt phá là hướng đến mục tiêu vươn xa, từng bước khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp quốc gia.
Nông nghiệp Việt Nam cần vươn mình ra khỏi địa giới hành chính, không gian địa giới. Việt Nam hợp tác với các nước về trồng trọt, chăn nuôi trong khu vực và quốc tế để cùng bảo đảm an ninh lương thực. Hay việc hợp tác với các quốc đảo ở Thái Bình Dương để ngư dân với những đội tàu viễn dương cùng khai thác hải sản. Biển không chỉ có cá, tôm. Biển còn có san hô, rong các loại… cho sinh kế bền vững, góp phần tạo tín chỉ carbon. Đó là một nền kinh tế chưa được khai thác.
Nông nghiệp nếu chỉ quan tâm đến thực phẩm thì đó mới chỉ là tầng thấp nhất. Nông nghiệp cần khai thác miền giá trị mới. Như vậy nông nghiệp phải phát huy được đa dụng, đa tầng giá trị.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!