Các đại biểu tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo đó, để phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững, Bộ Tài chính đề xuất các doanh nghiệp nhà nước cần tổ chức thực hiện các giải pháp để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, hoàn thiện và thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, bố trí ưu tiên nguồn vốn thực hiện chuyển đổi số với tiến độ cụ thể, triển khai các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ số trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa các công nghệ nền tảng và các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số như Cloud, AI, BigData,…
Đồng thời, khuyến khích các mô hình hợp tác công tư giữa các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với để triển khai các dự án chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh cần ưu tiên tập trung cho đổi mới quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản, nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý của doanh nghiệp, nguồn lực cần tập trung đầu tư vào ngành, lĩnh vực mũi nhọn, bền vững, ứng dụng mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; các dự án có ảnh hưởng, tác động tích cực trong các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Đặc biệt, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ mới, dịch vụ mới (5G, AI, XGSPON); chú trọng kiên cố, bền vững hạ tầng mạng lưới, phòng chống thiên tai; ưu tiên, mở rộng hạ tầng cho công nghiệp sản xuất, công nghiệp công nghệ cao; tiếp tục triển khai các dự án xây dựng cơ bản lớn, quan trọng đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, phát triển khoa học công nghệ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, đẩy mạnh thương mại hoá 5G; nghiên cứu công nghệ 6G; phát triển vệ tinh viễn thông và nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia. Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
Ngoài ra, tập trung thực hiện, sớm hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia, xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án dở dang, nhất là các dự án chậm tiến độ, đã kéo dài nhiều năm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, năm 2024, có 671 doanh nghiệp nhà nước (gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) tiếp tục tăng trưởng so với năm 2023. Tổng tài sản đạt gần 5,7 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023; vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng, tăng 61%; tổng doanh thu đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 24%; lợi nhuận trước thuế đạt 227.465 tỷ đồng, tăng 8%; thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách nhà nước đạt 398.686 tỷ đồng, tăng 9%.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghệ số, VNPT và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan của Chính phủ và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; phát triển và ứng dụng thành công các sản phẩm chuyển đổi số về dịch vụ khách hàng… Viettel đã đang thực hiện mục tiêu trở thành Tập đoàn công nghệ, kinh doanh toàn cầu, thực hiện thắng lợi chuyển đổi số, tiên phong kiến tạo xã hội số và là nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, doanh nghiệp nhà nước vẫn còn một số tồn tại trong việc thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, khoa học công nghệ còn hạn chế; công cụ quản trị kinh doanh còn chậm đổi mới, chưa làm chủ công nghệ lõi trong chuyển đổi số.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho rằng đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, cần tiếp tục củng cố, phát huy vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế và tập trung tiên phong trong 6 lĩnh vực.
Đối với các bộ, ngành, địa phương (cũng là các cơ quan đại diện chủ sở hữu) khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền và nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; khẩn trương xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ, nhất là về cơ chế, chính sách với tinh thần “5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Theo đó, ngay từ những tháng đầu năm 2025, quán triệt Kết luận số 123-KL/TW của Trung ương, Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 của Chính phủ, Chỉ thị số 09/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước đã tích cực, chủ động vào cuộc, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, cùng phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của cả nước.
Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 cho các doanh nghiệp nhà nước và đã có văn bản gửi từng cơ quan chủ sở hữu đề nghị giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 cho các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý đạt từ 8% trở lên. Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu, Bộ Tài chính đã giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 cho từng Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp và gắn việc thực hiện nhiệm vụ này với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp.