Đó là chia sẻ của ông Võ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội về việc giá thịt lợn đang giảm giá thê thảm, khiến nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng.
Cùng thời điểm này năm 2016, giá lợn hơn vẫn ở mức 55.000 đồng/kg nhưng hiện chỉ còn khoảng trên 20.000 đồng/kg. Ông Võ Anh Dũng, Chủ tịch Nam Hà Nội cho rằng, giá lợn hơi ở Việt Nam đang thấp nhất thế giới. Công ty đang thu mua lợn cho người dân với giá cao hơn thị trường 2.000 đồng/kg, tương đương 23.000 đồng/kg và giết mổ được khoảng 180 - 200 con/ngày. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, chẳng hạn như Ngọc Lũ (Hà Nam) lợn thịt nuôi quá lứa không xuất bán được rất lơn, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay nguồn cung lợn hơi trong nước đã vượt xa nhu cầu tiêu dùng trong nước, dẫn tới giá thịt lợn lao dốc, chỉ còn khoảng 20.000 đồng/kg.
Theo hộ chăn nuôi gia đình ông Nguyễn Văn Minh, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội: “Với hơn 100 con lợn, giá bán xuất chuồng chỉ được 25.000 - 28.000 đồng/kg. Trong khi, chi phí chăn nuôi từ con giống đến lúc xuất chuồng khoảng 38.000 - 40.000 đồng/kg. Mỗi ngày nhà ông phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng tiền thức ăn, càng nuôi càng lỗ”.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), do phát triển quá "nóng" ngành chăn nuôi đã bộc lộ bất cập về thị trường. Giá lợn hơi bình quân đã xuống dưới mức 30.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới, gây thua lỗ cho người chăn nuôi.
Đứng trước những khó khăn này, một số tập đoàn, doanh nghiệp (DN) chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi hứa sẽ giảm giá đầu vào, thức ăn chăn nuôi và tăng cường chế biến để chia sẻ gánh nặng cho bà con nông dân.
Các doanh nghiệp "chung tay" giải cứu các hộ chăn nuôi lợn. Ảnh: TTXVN |
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho biết, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi bình quân 9.000 đồng/kg mà phải 4kg thức ăn mới ra 1kg thịt lợn, trong khi thịt lợn hơi bán ra là 23.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ tính riêng tiền thức ăn chăn nuôi nông dân đã lỗ. Do đó, ông Lịch kêu gọi các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi trong hiệp hội giảm giá thức ăn chăn nuôi cho người nông dân. Vì không có người chăn nuôi thì nhà máy thức ăn chăn nuôi cũng chỉ đống sắt vụn.
Theo đại diện Công ty Cổ phần CP Việt Nam, để giải cứu thịt lợn, hiện nay CP đã tăng cường bán thịt lợn theo miếng, chế biến thành xúc xích, thuê kho cấp đông, tăng cường chế biến sâu, đồng thời sẽ giảm đàn lợn và giá thức ăn chăn nuôi để chia sẻ gánh nặng với người chăn nuôi. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng, để người chăn nuôi có hướng sản xuất.
Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco thì cho biết, hiện nay Công ty đã giảm giá thức ăn chăn nuôi từ 5 – 7% so với tuần trước. Bên cạnh đó, còn giảm giá bán con giống kết hợp tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi, không để vì giá thành sản xuất xuống thấp, người dân lơ là với phòng chữa bệnh thú y, rất dễ để xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên trong bối cảnh dư thừa như hiện nay. Công ty Dabaco kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thị trường cũng như tạm dừng nhập khẩu thịt ngoại để giải quyết nguồn cung dư thừa thịt lợn giành thị trường cho thịt lợn nội địa.
Chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi lợn, ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty Nam Hà Nội cho biết, tại thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi vẫn chấp chới hy vọng xuất khẩu được nên họ không giảm đàn nái và sản lượng xuất chuồng. Do vậy, phải có những chính sách rõ ràng để người chăn nuôi giảm mạnh đàn nái, đặc biệt là những con nái chất lượng thấp.
Ngoài ra, “Chúng tôi cũng đã giảm giá bán thịt lợn sạch phục vụ cho các khu công nghiệp và trường học để kích cầu tiêu dùng đối với công nhân, học sinh để giảm áp lực tiêu thụ. Tuy nhiên đây chỉ là những giải pháp trước mắt. Về lâu dài, cần tuyên truyền để người dân sử dụng thêm thịt cấp đông, thịt mát để hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn cho người nông dân” – ông Dũng nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, một số DN cũng đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng đầu ra với sản phẩm thịt lợn. Đồng thời siết chặt hơn điều kiện về chăn nuôi, để kiểm soát 55% các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tăng đàn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị các DN có điều kiện, có dây chuyền chế biến, có kho dự trữ tập trung mua sản phẩm tạm trữ một phần. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng cơ chế để khuyến khích DN xây dựng nhà máy chế biến đông lạnh, thu mua tạm trữ thịt lợn để đảm bảo giá cả ổn định ổn định và phát triển chăn nuôi lợn bền vững.