Cùng với nỗi lo lắng vì sắp tới giá viện phí sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng lên, người bệnh đang phải đối mặt với việc giá thuốc chữa bệnh tăng hàng ngày.
Thuốc lại tăng giá
Theo hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược Việt Nam, giá các mặt hàng thuốc ngoại nhập nhìn chung ổn định. Qua khảo sát, các mặt hàng tăng giá chiếm tỷ lệ 0,30% với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 6,4%. Dự báo trong tháng tới, giá các mặt hàng nguyên liệu có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm nhẹ như: Sulfametheoxazol nhập ở Ấn Độ từ 208.000 đồng/kg tăng 212.000 đồng/kg; Cephalexin từ 1.102.000 đồng lên 1.123.000 đồng/kg… Một số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước có thể tăng do các yếu tố đầu vào cho sản xuất như điện, nguyên phụ liệu, xăng dầu, chi phí vận tải… đều tăng. Giá một số mặt hàng thuốc nhập khẩu có thể tăng nhẹ do giá nhập khẩu, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh tăng.
Người bệnh lại đối mặt với giá thuốc tăng. |
Dạo quanh một số nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), Tô Hiến Thành (quận 10), Nguyễn Chí Thanh (quận 10), rất nhiều loại thuốc tăng giá từ 10.000 -15.000 đồng/hộp cụ thể: Thuốc Efferagan Codein từ 323.000 đồng/hộp tăng lên 345.000 đồng/hộp; Dogmatin 5mg từ 110.000/hộp tăng lên 120.000 đồng/hộp; Depakine 200mg từ 99.000 đồng/lọ lên 105.000 đồng/lọ...
Anh Nguyễn Thái Hân, khám bệnh tại Bệnh viện Hòa Hảo (đường Hòa Hảo, quận 10) cầm toa thuốc trên lắc đầu nói: Theo kết quả xét nghiệm thì cũng không có bệnh gì nặng, nhưng cầm toa thuốc ra quầy thuốc tây thì cũng phải mua hết 900.000 đồng tiền thuốc. Bệnh không nặng mà còn tốn nhiều tiền thuốc đến thế, nói gì đến những người bị các bệnh nặng phải điều trị lâu dài thì tiền đâu điều trị bệnh.
Tân dược là loại hàng hóa đặc biệt mà người mua không thể trả giá hay phân biệt được tá dược của từng loại thuốc mình mua mà chỉ biết tin tưởng vào người bán. Do đó, người bán có thể tùy cơ mà tăng giá hay giảm giá nên có tình trạng cùng một loại thuốc nhưng mỗi nơi lại có giá khác nhau. Bên cạnh đó, theo quy định thì tất cả các mặt hàng được bày bán trên thị trường đều phải được niêm yết giá nhưng đối với loại mặt hàng tân dược thì hầu như nhiều nhà thuốc đang phớt lờ quy định trên. Chị Bùi Thị Hồng (quận 9) cho biết: “Vừa rồi tôi đi khám bệnh ở phòng khám Đa Khoa gần nhà với triệu chứng là bị viêm họng, cầm toa thuốc tới mua tại nhà thuốc của phòng khám này với liều uống 2 ngày giá 140.000 đồng, sau khi uống 2 ngày không khỏi, cũng toa thuốc đó tôi ra ngoài hiệu thuốc mua thì chưa tới 100.000 đồng/ toa”.
Cần có cơ chế quản lý rõ hơn
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thị trường tân dược Việt Nam có trên 22.000 mặt hàng thuốc đã được cấp số lưu hành, trong khi đó Việt Nam lại phải nhập 90% nguyên liệu của sản xuất thuốc và trên 50% thuốc thành phẩm nên giá thuốc tại Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu và giá thuốc thế giới. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thi hành luật dược không quy định được mức độ chênh lệch tối đa giữa giá nhập khẩu với giá bán buôn và giá bán lẻ.
Do đó, xảy ra tình trạng giá nhập một nhưng giá bán cao gấp 2 thậm chí 3 lần. Ngoài ra, ở Việt Nam lại đang có quá nhiều công ty phân phối thuốc quy mô nhỏ và vừa, và khi thuốc qua tay mỗi công ty thì giá lại đội lên vài phần trăm, khi đến tay người bệnh giá cao là điều tất yếu.
Bác sỹ Hồ Hữu Đức, Thạc sỹ Y Khoa Bệnh viện Thống Nhất cho biết: Hiện người bệnh vẫn còn tâm lý chuộng thuốc ngoại hơn thuốc nội, thuốc đắt thì chữa bệnh nhanh khỏi hơn. Còn việc thuốc tăng giá là do chúng ta có quá nhiều khâu quản lý và khâu trung gian mà qua mỗi khâu thì giá lại được đẩy lên. Bởi thế, để người dân không phải mua thuốc với giá cao thì nên giảm bớt các khâu trung gian và có một cơ chế quản lý rõ hơn.
Để ổn định các mặt hàng tân dược và cũng nhằm tuyên truyền cho người dân sử dụng thuốc nội, TP Hồ Chí Minh đã đưa một số loại tân dược vào chương trình bình ổn và đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ mở rộng hơn nữa các mặt hàng tân dược tham gia bình ổn. Đồng thời tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra việc quản lý nhà nước về thuốc, giá thuốc và xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực này.
Bài và ảnh: Đan Phương