Cụ thể, kịch bản 1 với mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2021, trong điều kiện dịch cơ bản khống chế trong tháng 7, không có ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế, không bị giãn cách xã hội, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2%, thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm. Tăng trưởng quý IV đạt 6,5%, thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm.
Kịch bản 2 để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 của Chính phủ, với điều kiện dịch COVID-19 cơ bản khống chế dịch trong tháng 6, không có ổ dịch ở khu công nghiệp, ở các tỉnh thành phố, không bị giãn cách xã hội, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7%, cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm và quý IV tăng 7,5% trở lên, cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu đến từ các đợt bùng phát với biến chủng mới của COVID-19, tăng giá bất động sản, hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, rủi ro thương mại quốc tế…
Mặc dù vậy, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Tính đến 23/6/2021 huy động vốn tăng 3,35% so với cuối năm 2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 5,08% so với cuối năm 2020. So với cùng kỳ năm 2020, huy động vốn tăng 13,59% và tín dụng toàn hệ thống tăng 15,41%.
Các cân đối lớn được đảm bảo. Tiến độ thu ngân sách tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 57,7% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước bằng 41,2% dự toán năm và giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2020. An ninh lương thực được đảm bảo, dù một số quốc gia đang thiếu lương thực và giá cả tăng cao do dịch COVID-19.