Bộ Giao thông vận tải thông tin về xây dựng điểm giao cắt đường sắt

Liên quan đến tuyến đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều điểm giao cắt với khu dân cư, lưu lượng giao thông rất lớn, nguy cơ tai nạn rất dễ xảy ra, Bộ Giao thông vận tải đề nghị nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với nội dung đầu tư xây dựng các đường gom dân sinh tại các vị trí nguy hiểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo nội dung Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020, địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế được quy hoạch xây dựng khoảng 25 km đường gom dọc đường sắt để xóa bỏ các lối đi tự mở nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Theo quy định tại Mục IV, Mục V, khoản 2 Điều 1 Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế là cơ quan có thẩm quyền đầu tư xây dựng hệ thống đường gom tại địa phương. Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sớm triển khai. 

Về nghiên cứu mở rộng khẩu độ cống ngang đường sắt tại Km695+340, Km699+812, Km706+630 tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, để xử lý, khắc phục triệt để hiện tượng ngập lụt tại các phường Thủy Phương, Phú Bài và xã Thủy Phù thị xã Hương Thủy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị địa phương cần nghiên cứu tổng thể giải pháp thiết kế thoát nước cho cả khu vực; trên cơ sở đó tính toán khẩu độ thoát nước của cống ngang để triển khai đầu tư xây dựng cho phù hợp.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu tổng thể giải pháp thiết kế thoát nước cho khu vực thị xã Hương Thủy của địa phương, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương để đầu tư mở rộng cống thoát nước; tăng cường khơi thông mương rãnh, dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo thoát nước mưa tại khu vực.

Đối với đề nghị đầu tư nút giao tại Km696+160 (đường Tôn Thất Sơn) và Km697+175 (đường Ngô Thế Vinh) thị xã Hương Thủy, Bộ Giao thông vận tải đánh giá, nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, việc nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các nút giao nêu trên là phù hợp.

Để triển khai, Bộ Giao thông vận tải đề nghị địa phương xây dựng phương án, bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp đường ngang theo quy định tại Điều 37 Thông tư số 29/TT-BGTVT ngày 29/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Trong quá trình thực hiện, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương triển khai.

Theo ghi nhận của cử tri, tuyến đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều điểm giao cắt với khu dân cư, lưu lượng giao thông rất lớn, nguy cơ tai nạn rất dễ xảy ra.

Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, cử tri kiến nghị sớm đầu tư xây dựng các đường gom dân sinh tại các vị trí nguy hiểm đối với giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm hoàn thành xóa lối đi tự mở trước năm 2025 theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.

Qua khảo sát thực địa, UBND thị xã Hương Thủy đã đề nghị nghiên cứu mở rộng khẩu độ cống ngang đường sắt tại Km695+340; KM699+812; Km 706+630 để đảm bảo thoát nước nhanh khi vào mùa mưa nhằm giảm ngập lụt đối với người dân sinh sống tại vùng thấp trũng thuộc khu vực các phường Thủy Phương, phường Phú Bài và xã Thủy Phù.

Đồng thời, địa phương đề nghị đầu tư một số nút giao tại Km696+160 (đường Tôn Thất Sơn) và Km697+175 (đường Ngô Thế Vinh) thị xã Hương Thủy để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho Nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Diệp Anh (TTXVN)
Nhiều bất cập về hạ tầng giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ, đường sắt
Nhiều bất cập về hạ tầng giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ, đường sắt

Ngày 7/8, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi xảy ra vụ xe ô tô bán tải vượt đường sắt va chạm với tàu hỏa làm 2 người chết, 3 người bị thương, đơn vị đã phối hợp với ngành chức năng tỉnh Đồng Nai kiểm tra, qua đó nhận thấy vẫn còn nhiều bất cập về hạ tầng giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt và các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN