Khó khăn chồng chất khó khăn
Theo ông Đặng Văn Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng, từ đầu năm đến nay, nhiều khu công nghiệp ở Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh đóng cửa, hoạt động vận tải hàng hóa ngưng trệ, số phương tiện hoạt động chủ yếu cầm chừng, đón hàng không đủ container từ cảng hoặc chạy rỗng, nên không có doanh thu. Nguyên nhân là do chính sách “ngăn sông cấm chợ” trong phòng chống dịch bệnh của nhiều địa phương thời gian qua khiến việc không lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải liên vận cũng cho hay, nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp đóng cửa, làm cho lượng hàng hóa giảm sút nghiêm trọng, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải trả lương người lao động và đóng loại thuế, phí cố định như phí cầu đường, bến bãi. Dịch bệnh cũng khiến các doanh nghiệp phát sinh thêm nhiều chi phí. Tại các cửa khẩu, doanh nghiệp không được tự đưa xe sang nước bạn, mà phải thuê lái xe của nước sở tại, với chi phí khoảng 6 triệu đồng/chuyến. Với các doanh nghiệp có hàng trăm đầu xe, mỗi tháng phải bỏ số tiền quá lớn cho dịch vụ này.
Qua tìm hiểu, bên cạnh việc kinh doanh bết bát, chi phí đầu cũng đang bủa vây các doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Dù doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải gánh nhiều chi phí đầu vào như chi phí chống dịch, chi phí lắp camera giám sát, chi phí đổi biển số sang màu vàng, chi phí BOT tăng, phí hạ tầng cảng biển… Trong số các chi phí này thì chi phí lắp camera trên xe khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu nhất vì chi phí lắp đặt khá cao, nếu không lắp thì từ 1/7 sẽ bị phạt 5 - 6 triệu đồng (cá nhân) và phạt từ 10 - 12 triệu đồng (đối với tổ chức).
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhẩm tính chi phí lắp đặt camera khoảng 10 triệu đồng/xe, doanh nghiệp có 100 xe chi phí đã lên đến cả tỉ đồng. Ngoài ra, hàng tháng doanh nghiệp phải mất từ 100.000 - 200.000 đồng/xe để trả phí 4G cho việc duy trì đường truyền. Với khoảng 200.000 xe phải lắp đặt camera trên toàn quốc, thì chi phí khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng là số tiền khá lớn và quá sức với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Còn theo ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều ngành được hỗ trợ kịp thời, nhưng ngành Vận tải hầu như chưa có một chính sách hỗ trợ riêng, trong khi lại phải chịu thêm nhiều chi phí sẽ khiến doanh nghiệp lao đao. Những điều kiện kinh doanh hay các loại phí có nhất thiết phải áp dụng ngay trong thời điểm này hay không, khi doanh nghiệp đang thoi thóp. Nhà nước nên chọn một thời điểm thích hợp áp dụng các chính sách để hài hoà lợi ích của người dân và doanh nghiệp vận tải...
Về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, hiện đa số các doanh nghiệp vận tải hàng hóa có quy mô nhỏ, manh mún, tỷ lệ xe chạy rỗng ở mức trên 45%, nên chi phí vận tải chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành. Doanh thu mỗi chuyến hàng, chuyến xe, doanh nghiệp chỉ đủ trang trải chi phí vận hành, nhân lực. Điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn, tìm cách thu hẹp sản xuất và buộc phải giảm bớt phương tiện, nhân công.
Vẫn phải lắp, nhưng lùi thời hạn xử phạt
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có nhiều văn bản đôn đốc việc triển khai thực hiện lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải theo đúng lộ trình quy định. Tuy nhiên, trước những khó khăn chồng chất khó khăn lên đầu doanh nghiệp vận tải hàng hóa, để tháo gỡ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp đặt camera trên phương tiện kinh doanh vận tải theo quy định của Nghị định số 10/2020/CP. Theo Nghị định, từ ngày 1/7, các xe kinh doanh vận tải container, đầu kéo đều phải lắp camera theo quy định tại Nghị định 100/2019/CP.
"Nhiều doanh nghiệp không có tiền đầu tư thiết bị vì doanh thu giảm sút do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp sẽ vẫn phải lắp camera theo đúng lộ trình của Chính phủ quy định, song việc xử phạt có thể chậm hơn. Việc lùi thời gian xử phạt để giảm áp lực cho doanh nghiệp. Hiện Tổng cục đã ban hành quy định về định dạng truyền dữ liệu, đưa ra những quy định tối thiểu về hình ảnh mà doanh nghiệp phải đáp ứng. Căn cứ vào quy định định dạng này, doanh nghiệp có thể lựa chọn loại camera phù hợp để có thể truyền được dữ liệu hình ảnh", bà Hiền chia sẻ.
Việc lắp camera có tác dụng lớn trong việc giám sát hoạt động của lái xe và doanh nghiệp vận tải, nhất là trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, giúp truye vết, phát hiện ngay những hành khách không đeo khẩu trang để phòng chống dịch hiệu quả. Bên cạnh đó, dữ liệu hình ảnh truyền về cũng kiểm soát được hành trình xe, tình trạng nhà xe nhồi nhét khách trên đường, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự.
Vì vậy, Bộ GTVT đã báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiến nghị Chính phủ cho phép chưa xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 100/2019/CP đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải. Cụ thể, từ nay đến hết ngày 31/12/2021 chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo. Từ ngày 1/1/2022 xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định này. Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các doanh vận tải khắc phục khó khăn, thực hiện lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo theo quy định của Nghị định 10/2020/CP bảo đảm an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.