Theo thống kê, toàn huyện Hoằng Hóa có trên 26.000 cây dừa. Hầu khắp các xã trên địa bàn huyện đều có dừa bị chết do bọ dừa phá hại, đặc biệt tại các xã vùng biển, vùng đất cát pha phù hợp với phát triển của cây dừa, như xã Hoằng Hải, Hoằng Yến, Hoằng Ngọc, Hoằng Đạo, Hoằng Trường… Số lượng dừa ở khu vực này vẫn đang giảm nhanh.
Theo người dân địa phương, trong những năm gần đây, một loại bọ cánh cứng bằng đầu ngón tay (còn gọi là bọ dừa) sinh sôi, phát triển mạnh. Loài này thường đục vào phần ngọn để ăn nõn khiến cây dừa lụi dần rồi chết.
Ông Lê Văn Oanh, thôn 13, xã Hoằng Yến cho biết: "Gia đình tôi có 10 cây dừa thì đã bị chết đến 5 cây do bị bọ dừa đục phá khiến cây bị chết lụi".
Ông Lê Xuân Ngọc, Trạm Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hoằng Hóa cho biết, bọ dừa rất khó bị diệt trừ do chúng đục vào thân ngọn ở trên cao nên khó sử dụng hóa chất phun trừ. Người dân phải trèo lên cây bắt thủ công, nhưng biện pháp này cũng không hiệu quả và mất rất nhiều công sức. Hiện huyện Hoằng Hóa đang sử dụng thiên địch là bọ đuôi kìm thả lên cây dừa để loài bọ này tìm diệt bọ dừa. Tuy nhiên biện pháp này cũng chưa được nhân rộng ra toàn huyện.
Hoằng Hóa là thủ phủ dừa của khu vực Bắc Trung Bộ. Dừa Hoằng Hóa cũng đã “ra Bắc vào Nam”. Những năm sau đổi mới, các hợp tác xã ở huyện Hoằng Hóa còn phát động phong trào trồng dừa.
Phần lớn các gia đình ở Hoằng Hóa đều có vài cây đến vài chục cây dừa. Ở mỗi thôn, làng, nhiều người có thu nhập khá với nghề đi thu gom dừa bán khắp nơi, nhất là vào mùa hè. Các đại lý dừa tại phường Tào Xuyên (thành phố Thanh Hóa) trở thành nơi tập kết và trung chuyển dừa Hoằng Hóa.