Công điện nêu rõ, từ ngày 12/11 đến nay, tại khu vực Trung Bộ đã xảy ra mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt, sạt lở đất, thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Tại Thừa Thiên - Huế đã xảy ra mưa đặc biệt lớn, tổng lượng mưa trong 24h (từ 14 - 15/11) khoảng 800 - 900mm, gây ngập lụt trên diện rộng, nhất là tại khu vực thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thuỷ...
Dự báo tại khu vực Trung Bộ nhất là khu vực Thừa Thiên - Huế còn tiếp tục có mưa to đến rất to. Đáng lưu ý, trong bối cảnh những ngày qua đã liên tiếp có mưa lớn kéo dài, hầu hết các hồ chưa cơ bản đã đẩy nước, đất bão hoà nước nên nguy cơ cao tiếp tục xảy ra ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt là sạt lở, lũ quét tại khu vực miền núi, sườn dốc.
Thực hiện Công điện số 1095/CĐ-TTg ngày 15/11 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ tại khu vực Trung Bộ, Ban Chỉ huy Phỏng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị ngành công thương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ. Cùng đó, tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Theo đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn triển khai các phương án ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của mưa, lũ.
Ngoài ra, chú trọng kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, nhất là 2 các hồ đập xung yếu, các thủy điện nhỏ hoặc đang thi công, sửa chữa; công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du.
Chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai năm 2023 của tỉnh; chủ động rà soát các khu vực bị chia cắt do mưa lớn, lũ gây ra để kịp thời có phương án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo chất lượng phục vụ người dân trên địa bàn.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị điện lực triển khai các phương án ứng phó với tình hình mưa lũ có khả năng diễn biến phức tạp. đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, các công trình điện lực và an toàn cho nhân dân, nhất là trong khu vực vùng bị ngập lụt, sẵn sàng, nhanh chóng khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố xảy ra.
Đặc biệt, phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền đến nhân dân các biện pháp phòng tránh tai nạn điện trong mùa mưa bão, duy trì và đảm bảo hành lang an toàn lưới điện. Rà soát các điểm có nguy cơ mất an toàn cao, các điểm có cây cối trong và ngoài hành lang có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn công trình để có giải pháp và cùng phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo an toàn vận hành.
Đối với các công trình đang thi công dở dang, thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn không để sự cố xảy ra. Trường hợp bắt buộc phải cắt điện, yêu cầu phải khẩn trương xây dựng phương án cấp điện trở lại khi nước rút để đảm bảo đời sống, sinh hoạt và sản suất của nhân dân.
Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện trực thuộc Tập đoàn thực hiện đầy đủ vốn cần tại Công điện này ra soát kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, các mốc cảnh báo ngập lụt; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa, lũ và xử lý tình huống ảnh hưởng đến an toàn dân cư ở hạ du khi vận hành.
Bên cạnh đo, thông tin kịp thời cho chính quyền các cấp và người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ, điều tiết hồ chứa để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, nhất là các hồ đập xung yếu, thủy điện nhỏ hoặc đang thi công, sửa chữa.
Công điện cũng lưu ý các tập đoàn, tổng công ty khác trong ngành cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai tại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo an toàn cho người và công trình trọng yếu.
Ngoài ra, các chủ đập thuỷ điện tổ chức theo dõi sát tình hình mưa lũ, diễn biến dòng chảy đến các hồ chứa, lũ hạ du để rà soát, xây dựng ngay các kịch bản, phương án vận hành cụ thể, sát với diễn biến thực tế báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, vận hành đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các thủy điện nhỏ, vùng hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, các sự cố do các đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục.
Đối với chủ cơ sở công trình công nghiệp phải tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng các sườn dốc, xung quanh và phía sau các công trình đang xây dựng, kho, nhà xưởng, văn phòng nhà điều hành, công trình gần sườn dốc, các mỏ và các bãi thải... để phát hiện nguy cơ dễ gây sạt lở đất, không đảm bảo an toàn để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị ngành công thương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm Công điện này. Duy trì trực hạn nghiêm túc sẵn cùng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Thường xuyên cập nhập, báo cáo thông tin về Văn phòng thường trực Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương. Điện thoại: 024.22218310; Fax: 024.22218321. Email: VPTT_PCTT@moit.gov.vn.