Bộ Công Thương nói gì về việc cấm nhập khẩu xăng dầu để cứu doanh nghiệp trong nước?

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định việc cấm nhập khẩu xăng dầu cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo lợi ích các bên liên quan.

Chú thích ảnh
Việc cấm nhập khẩu xăng dầu phải cân nhắc kỹ để hài hòa lợi ích các bên liên quan. Ảnh: TTXVN.

Trước tình trạng tồn kho tại nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, vừa qua PVN đã có kiến nghị lên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, đề nghị dừng nhập khẩu xăng dầu.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xăng dầu đều đang gặp khó khăn.

Hiện nay, có hai nhà máy cung ứng xăng dầu trong nước là Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (là liên doanh nước ngoài chiếm 75% vốn, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đại diện chỉ nắm 25%) và Nhà máy lọc dầu Bình Sơn 100% (vốn trong nước). Hai nhà máy này không xuất khẩu dầu thô, mà dùng dầu thô để chế biến ra thành phẩm xăng dầu để bán và xuất khẩu.

Thời gian qua, PVN gặp khó khăn do giá dầu thô thế giới sụt giảm, trong vòng 3 tháng giảm hơn 60% nên nguồn thu bị ảnh hưởng, qua đó ảnh hưởng đến nguồn thu cả quốc gia. 

Tuy nhiên, ông Đỗ Thắng Hải cũng thông tin thêm, hiện đang có 33 đầu mối nhập khẩu xăng dầu đáp ứng yêu cầu Nghị định 83, tức là đầu mối trực tiếp được phép xuất nhập khẩu xăng dầu. Bản thân các doanh nghiệp này ba tháng vừa qua cũng gặp nhiều khó khăn,  đã 8 lần giảm giá liên tiếp.

Do đó, với đề xuất của PVN, ông Đỗ Thắng Hải cho hay, đã có bàn bạc kỹ với các đơn vị Bộ Công Thương, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, hiệp hội xăng dầu, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và người tiêu dùng… để cân nhắc thận trọng.

"Nếu hạn chế, thậm chí là cấm nhập khẩu xăng dầu nghĩa là 33 doanh nghiệp chỉ 1 người được phép nhập khẩu hoặc bán; còn lại thì không. Điều này có thể làm đầu vào tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng; qua đó ảnh hưởng đến giá cả, quyền lợi người dân và toàn bộ hoạt động kinh doanh, sản xuất dùng xăng dầu. Đồng thời, việc cấm nhập khẩu có nghĩa là cấm nước khác xuất khẩu một mặt hàng vào Việt Nam, điều này sẽ vi phạm cam kết FTA với các nước và liệu các nước có đưa ra biện pháp tương tự cấm Việt Nam xuất khẩu mặt hàng thế mạnh sang các nước khác hay không”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Vì vậy, trước mắt cân nhắc việc cấm nhập khẩu xăng dầu và phải hài hòa các quyền lợi giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối, người tiêu dùng, Nhà nước là đảm bảo an ninh năng lượng, đủ xăng dầu để cung cấp.

Đề xuất giảm thuế, phí với ô tô để hỗ trợ ngành ô tô

Liên quan đến đề xuất giảm phí trước bạ và thuế tiêu thụ đặc biệt phí đối với ngành ô tô, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết do tác động của đại dịch COVID-19 khiến tiêu thụ sản xuất ô tô giảm rất mạnh, tháng 4 vừa qua chỉ đạt 61.500 xe các loại, giảm mạnh so với cùng kỳ, nhu cầu xe tiêu thụ chỉ đạt 35 - 40%. Vì vậy, Bộ Công Thương có đề xuất giảm thuế, phí với ô tô để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Thành, thực tế khi nghiên cứu các nước thì trong thời điểm khó khăn vẫn có hỗ trợ nhất định, thời gian ngắn nên Bộ Công Thương đưa ra đề xuất trên.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng ở Việt Nam ngành công nghiệp ô tô rất được quan tâm, là ngành công nghiệp lớn, mang lại lợi ích và bộ mặt của cả nền kinh tế, lợi ích cho người dân. Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp tạm thời đóng cửa và dừng hoạt động, ngành sản xuất ô tô nội địa phải cạnh tranh gay gắt khi ô tô giá rẻ, thuế bằng 0% tràn vào thị trường, dẫn tới doanh nghiệp trong nước bị cạnh tranh. Doanh nghiệp sẽ rất khó khăn nếu nhà nước không có giải pháp, chính sách kịp thời, quyết liệt. Vì vậy, cần phải có ưu đãi, hỗ trợ ngay tại thời điểm này để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân Việt Nam có thể tiếp cận rộng rãi vì giá ô tô giờ quá cao.
Thu Trang/Báo Tin tức
Giá dầu thế giới giảm sâu, 'ông lớn' xăng dầu lên tiếng
Giá dầu thế giới giảm sâu, 'ông lớn' xăng dầu lên tiếng

Khi giá dầu giảm 1 USD/thùng, thì doanh thu của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ giảm khoảng 2.200 tỉ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng, PVN sẽ giảm doanh thu khoảng 55.000 tỉ đồng/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN