Bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán

Thị trường hàng hóa bắt đầu sôi động hơn với việc chuẩn bị nguyên liệu, hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Theo Bộ Công Thương, với sự chuẩn bị hàng hóa của các doanh nghiệp, các chương trình bình ổn thị trường của các địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, nguồn cung hàng hóa dịp Tết sẽ đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu người dân, vì thế giá cả sẽ không tăng đột biến.

Không để thiếu hàng thiết yếu

Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, trong tháng 11, cung cầu hầu hết các mặt hàng bảo đảm, giá nhiều mặt hàng thiết yếu tiếp tục ổn định (điện, xăng dầu, gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng, xi măng…). Tuy nhiên, một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm do ảnh hưởng của mưa lũ, do nhu cầu tăng vào dịp cuối năm trong khi nguồn cung chưa dồi dào nên giá cả có xu hướng nhích tăng trở lại.

Co.op Tân Bình cũng là cửa hàng bình ổn giá với các mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN


Theo các chuyên gia thị trường, để bình ổn thị trường Tết, quan trọng nhất là phải kiềm chế được giá lương thực, thực phẩm, nhất là nguồn thịt lợn và rau củ trong dịp trước và sau Tết, vì hai mặt hàng này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường.

Theo bà Đỗ Thị Tuyết Mai, đại diện Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến ngày 15/11, các tỉnh miền Bắc đã thu hoạch xong vụ lúa mùa, tổng sản lượng lúa tăng 5.700 tấn so với vụ trước. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch muộn hơn nhưng các tỉnh phấn đấu đạt sản lượng 11 triệu tấn, chiếm gần 50% sản lượng cả vùng. Năm nay, cả nước sẽ đạt trên 41 triệu tấn lúa, đáp ứng xuất khẩu 7,1 triệu tấn và bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước. Vì thế, nguồn lúa gạo không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, giá lương thực có xu hướng nhích lên vì xuất khẩu thuận lợi hơn.

Đối với nguồn thịt tươi sống, vừa qua, do ảnh hưởng của lũ lụt nên người dân phải bán tháo gia súc, gia cầm, vì thế trong tháng 11 giá thực phẩm tươi sống có nhích lên. Nhưng theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 11 tổng đàn lợn trên cả nước tăng 4,4% so với tháng 10. Vì thế, nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết không đáng lo ngại vì hiện nay dịch bệnh lợn chỉ diễn ra ở tỉnh Nghệ An. Trong khi đó, lượng gia cầm tăng mạnh, khoảng 335 triệu con, tăng 4,7% so với tháng trước do người nuôi đã có lãi. Bên cạnh đó, nguồn thịt trâu, bò cũng đảm bảo đủ cho nhu cầu Tết.

Đối với mặt hàng rau, củ, quả, theo dự báo của Bộ Công Thương, thời tiết nắng ấm rất thuận lợi cho rau xanh phát triển, nhiều loại đang vào vụ chính, nguồn cung dồi dào nên giá các loại rau, củ, quả giảm nhẹ tại các tỉnh miền Bắc và ổn định tại các tỉnh phía Nam. Hiện nay, diện tích rau gieo trồng có tăng nhưng rau ngắn ngày giảm sản lượng vì vừa qua thời tiết mưa nhiều làm rau dập nát, sắp tới, nếu thời tiết tốt, nguồn cung rau ngắn ngày sẽ được cải thiện.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong dịp Tết, dự kiến nhu cầu tiêu dùng cả nước sẽ tăng khoảng 20 - 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Để hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng Tết, Bộ Tài chính đã có chỉ thị cho các địa phương về việc tháo gỡ khó khăn về thuế, thủ tục hải quan, kho bạc… để doanh nghiệp có điều kiện sản xuất hàng hóa nhằm tăng nguồn cung trong dịp Tết; bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, chi tiêu ngân sách.

Phát huy hiệu quả chương trình bình ổn giá

Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về chương trình bình ổn giá, nhưng ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định: Đây là chương trình có ý nghĩa bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung chứ không chỉ là chương trình giảm giá. Chương trình mang lại lợi ích cho cả người cung cấp và người tiêu dùng. Vì thế, cần tiếp tục phát huy, triển khai chương trình này, nhất là trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán.

Được biết, cả nước có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tiếp tục triển khai chương trình bình ổn giá. Điển hình, tại TP Hồ Chí Minh, hơn 20 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của UBND đã dự trữ được lượng hàng chiếm khoảng 40 - 50% lượng hàng dự trữ trên địa bàn. Theo kế hoạch của UBND TP Hồ Chí Minh, tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.HCM năm 2011 và Tết Nhâm Thìn năm 2012 là 412 tỷ đồng (chương trình thực hiện đến hết ngày 31/3/2012), trong đó nguồn vốn dành thực hiện cho Tết Nguyên đán Nhâm Thìn là 368 tỷ đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, số lượng hàng bình ổn chiếm khoảng 30 - 40% so với nhu cầu thị trường và tăng bình quân khoảng 20% so với Tết Nguyên đán Tân Mão.

Thành phố Hà Nội cũng hỗ trợ cho vay 430 tỷ đồng với lãi suất 0% cho một số doanh nghiệp để thực hiện chương trình bình ổn thị trường dịp Tết. Theo đó, Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất vốn vay phải đáp ứng 15% lượng hàng bình ổn giá. Hà Nội cũng đã ký với 7 tỉnh tại đồng bằng Bắc bộ để đưa hàng nông sản, thực phẩm… về Hà Nội trong dịp Tết. Ngoài ra, Hà Nội cũng hỗ trợ 4 tỉ đồng để tổ chức trung tâm bán hàng Tết, mở 100 điểm bán hàng khuyến mại từ nay đến hết Tết.

Thanh Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN