Tổng giá trị tăng của vàng thế giới cộng dồn khoảng 150 USD/ounce, tức là tăng hơn 5,7%. Mức tăng giá được các chuyên gia ngành này xác nhận là tốt nhất trong vòng 2 năm qua. Từ mức 2.563 USD/ounce hồi đầu tuần, sau đó tăng tiếp 2.594 USD/ounce và đột phá mạnh mẽ qua ngưỡng 2.711,51 USD/ounce, sau đó "rập rình" dừng lại ở mức trên 2.700/ounce trong những ngày cuối tuần. Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới quay lại với động thái mua ròng sau xu hướng bán tháo trước đó. Quỹ Tín thác đầu tư SPDR Gold Trust cũng đang có động thái gom mua trong 4/5 phiên giao dịch gần đây với tổng số mua vào là 8,04 tấn vàng, nâng khối lượng vàng nắm giữ của quỹ này lên 877,97 tấn ở thời điểm hiện tại.
Theo đà tăng giá, ở trong nước, thị trường vàng miếng cũng ghi nhận 5 phiên giao dịch tăng giá mạnh với tổng mức chênh lệch tăng thêm khoảng 5 triệu đồng/lượng tính từ đầu tuần tới nay; chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng miếng đang dừng lại ở ngưỡng 85 triệu đồng/lượng mua vào. Ở chiều bán ra, giá vàng miếng hiện được các doanh nghiệp vàng bạc đá quý niêm yết ở mốc giá 87 triệu đồng/lượng ở phiên giao dịch cuối tuần, tăng tổng cộng 3,5 triệu đồng/lượng.
Trong xu thế tăng cao, chênh lệch giá giữ mua và bán của vàng miếng được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm mạnh. Mức chênh hiện tại không quá 2 triệu đồng/lượng, giảm mạnh so với biên độ chênh 3,5 triệu đồng/lượng ở cuối tuần trước.
Tại mốc giá bán 87 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC hiện cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 1,75 triệu đồng/lượng, giảm 1,45 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, thị trường vàng miếng đã liên tục tăng giá trong tuần này nhưng ở mức phù hợp với đà tăng của giá vàng thế giới. Theo đó, chênh lệch giữa hai thị trường trong nước và quốc tế dù luôn biến động nhưng vẫn duy trì trong phạm vi hợp lý. Tính trong cả tuần, mức chênh giữ giá nội và ngoại dao động khoảng gần 2 triệu đến dưới 3,5 triệu đồng/lượng.
Tương tự, thị trường vàng nhẫn cũng đã có tuần tăng giá từ thứ Hai đến hết ngày thứ Bảy. Trong cả tuần, giá vàng nhẫn mua vào tăng 4,1 - 5,2 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn bán ra tăng 3,9 đến 4,2 triệu đồng/lượng. Chốt tuần, giá mua đạt mức 84,8 - 85,6 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn bán ra đạt 86,5 - 86,8 triệu đồng tùy từng đơn vị phân phối.
Giống với vàng miếng, mặt hàng vàng nhẫn cũng giảm mạnh độ chênh giữa giá mua và bán trong tuần này. Cụ thể, chênh lệch mua - bán của vàng nhẫn hiện dao động từ 950.000 đồng đến 1,8 triệu đồng/lượng. Mức đỉnh giá 86,8 triệu đồng/lượng của vàng nhẫn hiện tại đang cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi là 1,55 triệu đồng/lượng, giảm hơn 800.000 đồng so với cuối tuần trước.
Theo chuyên gia Giavang.net Trương Vi Tuấn, giao dịch của thị trường vàng có khả năng sẽ trầm lắng trong nửa cuối tuần, với thị trường chứng khoán và trái phiếu tại Hoa Kỳ đóng cửa vào thứ Năm và hoạt động trong nửa ngày vào thứ Sáu nhân kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn... Những yếu tố này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới giá và giao dịch của thị trường vàng toàn cầu.
Thị trường vàng miếng tuần này đã chứng kiến đà tăng giá khá linh hoạt khi giá vàng thế giới tăng mạnh thì tuần tới, có thể sẽ tiếp tục diễn biến này ở mức tiếp cận vùng giá 88 - 89 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng thường tăng chậm hơn biên độ tăng của thị trường quốc tế, động lực tăng của vàng SJC ở tuần sau sẽ nhiều hơn và thậm chí giá vàng miếng có thể tăng tiếp cho dù giá vàng thế giới chững lại hoặc điều chỉnh. Nếu giá vàng thế giới chạm đỉnh 2.790 USD/ounce thì giá vàng miếng trong nước có thể thấy lại được mốc trên 90 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng nhẫn tuần này đã tăng chiều mua nhiều hơn và tăng chiều bán ít hơn. Doanh nghiệp kinh doanh kim hoàn có thể tiếp tục hành động như vậy để thu hút lực bán chốt lời của nhà đầu tư để chờ nhịp tăng mới.
Rất có thể, trong tuần sau, giá vàng nhẫn đạt mức giá 87 - 88 triệu đồng/lượng kể cả khi giá vàng thế giới có chững lại nhịp tăng. Nếu giá vàng thế giới giảm nhẹ, giá vàng nhẫn trong nước có thể vẫn sẽ đi ngang tại vùng giá hiện tại.