Định hướng phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015 được Nghị quyết lần thứ IX của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương xác định: Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp (KCN); thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật tiên tiến; ưu tiên các ngành công nghiệp hỗ trợ; chú trọng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị; hạn chế tối đa việc đầu tư bên ngoài các khu-cụm công nghiệp, các ngành công nghiệp gia công sử dụng nhiều lao động hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm cao; bảo đảm tất cả các KCN đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam; quy hoạch, sắp xếp lại ngành công nghiệp khai thác khoáng sản.
Sản xuất nước giải khát tại Công ty TNHH nước giải khát Kirin Việt Nam (vốn 100% nước ngoài) tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2 (Bình Dương). Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Tỉnh triển khai thực hiện các nhóm giải pháp: Khai thác và phát huy lợi thế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để phát triển kinh tế Bình Dương như gần TP.HCM - trung tâm kinh tế cả nước, hệ thống giao thông thuận lợi, gần các cảng biển, sân bay; kết cấu hạ tầng được đầu tư tốt, điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi... Phát triển công nghiệp nhanh và bền vững gắn với điều chỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. Đẩy mạnh tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp thông qua tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao. Tiếp thị mời gọi đầu tư theo hướng tập trung mời gọi các Tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, nhắm tới các nhà đầu tư cụ thể của các nước, các vùng lãnh thổ. Cải thiện hơn nữa môi trường , tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng bình đẳng cho hoạt động sản xuất kinh doanh...
Ưu tiên lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao
Bình Dương xác định, phát triển mạnh khu vực dịch vụ góp phần tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, trong đó ưu tiên phát triển các lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, có tiềm năng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa của tỉnh. Các ngành dịch vụ trọng tâm như tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại - du lịch-xuất nhập khẩu; bưu chính - viễn thông; kho, cảng và vận tải chuyên dùng, dịch vụ cảng-kho bãi- lôgistic; y tế - giáo dục; nhà ở theo hướng dân cư đô thị... Phấn đấu giá trị dịch vụ hàng năm tăng 22-23%, đến năm 2015 tỉ trọng GDP khu vực dịch vụ chiếm 38% trong cơ cấu kinh tế. Có 8 giải pháp thực hiện như: Xây dựng chính sách thu hút nguồn lực, nguồn vốn đầu tư bằng đầu tư nước ngoài, đầu tư xã hội hóa và đầu tư nguồn ngân sách đối với các ngành dịch vụ, trong đó ngân sách chủ yếu lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật làm đòn bẩy thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ.
Năm nay, tỉnh Bình Dương phấn đấu tăng trưởng GDP 13,5% với cơ cấu kinh tế công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp với tỉ lệ tương ứng 62%-34,4%-3,6%. Trong đó tập trung thực hiện 4 chương trình đột phá như: Phát triển các ngành dịch vụ có chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp- đô thị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, văn minh hiện đại; huy động mọi nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế, tiếp tục đầu tư đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh, nhất là các công trình mang tính động lực; đầu tư xây dựng khu đô thị mới, trung tâm chính trị hành chính tập trung của tỉnh, gắn với nâng cấp chỉnh trang nâng cấp đô thị thị xã Thủ Dầu Một và đô thị vệ tinh thị xã Thuận An, Dĩ An theo hướng văn minh, sạch đẹp và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học-kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. |
Quy hoạch phát triển lĩnh vực dịch vụ luôn gắn và thúc đẩy phát triển ngành với phát triển vùng. Tiếp tục ưu tiên phát triển dịch vụ ở các vùng, khu vực trọng điểm như thị xã Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Nam Tân Uyên, Nam Bến Cát, Khu liên hợp Công nghiệp-Dịch vụ-Đô thị, Khu Đô thị Cảng Thạnh Phước, Đại học Quốc gia TP.HCM... Mục tiêu là xây dựng đô thị Bình Dương trở thành một cực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và an ninh quốc phòng; là đô thị công nghiệp-dịch vụ- thương mại-du lịch. Phấn đấu đến năm 2015 đô thị Bình Dương có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đạt nền tảng của đô thị loại I, để đến năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Để đáp ứng nguồn nhân lực cho yêu cầu phát triển kinh tế, Bình Dương đã triển khai Chương trình “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2011-2015” với mục tiêu: Xây dựng và hình thành đồng bộ đội ngũ cán bộ bao gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ các chức danh tư pháp, cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ đương chức và cán bộ nguồn có phẩm chất và năng lực, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, chuyên nghiệp, hiện đại, có sự kế thừa giữa các thế hệ cán bộ. Xây dựng đội ngũ viên chức đáp ứng yêu cầu dịch vụ công và các hoạt động khác theo chủ trương xã hội hóa. Hình thành đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, có phẩm chất đạo đức, ý thức chính trị và đáp ứng đủ lao động phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Chương trình hướng đến mục tiêu năm 2015 phải có trên 70% lao động qua đào tạo; 100% cán bộ công chức được đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm vào ngạch; 90% cán bộ viên chức được đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý; trên 70% cán bộ viên chức có trình độ từ cao đẳng trở lên; trên 80% cán bộ, công chức thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm...
Quách Lắm