Bình Định với chính sách phát triển công nghệ khác biệt - Bài cuối: Thu hút và đào tạo nhân tài

Không còn chỉ là thành phố biển hiền hòa, Quy Nhơn đang bước lên bản đồ công nghiệp công nghệ cao khu vực Đông Nam Á bằng chính mô hình phát triển dựa vào tri thức.

Chú thích ảnh
Giám đốc điều hành FPT Software Quy Nhơn Vũ Văn Đông giới thiệu mô hình thực nghiệp công nghệ AI do đơn vị phát triển. 

Với nền móng học thuật vững chắc từ ICISE, cú hích AI từ FPT và tầm nhìn chủ động trong ngành bán dẫn, Bình Định đang hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành thủ phủ mới của AI, công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Để hướng đến sự vững chắc đó, yếu tố quyết định nằm ở nguồn nhân lực.

Chọn con đường phát triển bằng đổi mới sáng tạo

Giám đốc điều hành FPT Software Quy Nhơn Vũ Văn Đông khẳng định, Quy Nhơn hội đủ các yếu tố để trở thành trung tâm AI và bán dẫn hàng đầu. Thứ nhất, Quy Nhơn là một trong 3 trung tâm Toán học của Việt Nam. Cùng với các tỉnh lân cận, nguồn nhân lực cho công nghiệp công nghệ thông tin, AI, bán dẫn sẽ khá dồi dào. Thứ hai, Quy Nhơn có hạ tầng truyền dẫn mạnh (là điểm cập bờ của 2 tuyến cáp quang dung lượng lớn nhất Việt Nam). Thứ ba, Bình Định hiện đang là một trong những trung tâm năng lượng sạch lớn của quốc gia. Năng lượng sạch là yếu tố sống còn cho trung tâm dữ liệu, công nghệ số, AI và bán dẫn.

Ông Vũ Văn Đông cho biết: "Tỉnh Bình Định đã tạo điều kiện, môi trường rất lớn cho doanh nghiệp công nghệ. Ngược lại, chúng tôi không đến đây một mình. Chúng tôi đang kêu gọi rất nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn đến đây, cùng sáng tạo và cùng phát triển. Điểm yếu duy nhất còn sót lại là các đường bay thẳng quốc tế để đưa các khách hàng, nhà khoa học và doanh nghiệp quốc tế đến Bình Định nhanh hơn. Hy vọng điều này sẽ sớm được khắc phục”.

Với sự thay đổi cực nhanh của các lĩnh vực công nghệ, Bình Định đã nhìn ra xu hướng và tiếp tục mở rộng sang ngành công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực được coi là "nền móng vật lý" của mọi công nghệ hiện đại. Từ năm 2024, tỉnh công bố định hướng phát triển bán dẫn. Lộ trình này dựa trên ba trụ cột: đào tạo nguồn nhân lực, phát triển chip chuyên dụng và đóng gói tiên tiến.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, Bình Định chọn con đường phát triển bằng chất lượng trí tuệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Cú hích đến từ cấp quốc gia với Đề án phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 của Chính phủ, đã được Bình Định nhanh chóng hiện thực hóa thành hành động cụ thể: quy hoạch không gian công nghệ cao Long Vân - nơi hội tụ Trung tâm AI, tổ hợp nghiên cứu FPT, Khu Đô thị Khoa học 242 ha.

Theo ông Vũ Văn Đông, FPT đang áp dụng mô hình đào tạo - ứng dụng khép kín. "Chúng tôi không chỉ làm phần mềm, mà đang tiến vào lĩnh vực phần cứng, phát triển từ AI đến chip AI - theo một logic phát triển tự nhiên nhưng rất ít địa phương dám đi trọn vẹn. Bình Định là nơi hiếm hoi không có công nghiệp nặng nhưng lại đang dẫn đầu công nghiệp tri thức. Đó là mô hình phát triển nhân văn – lấy con người làm trung tâm, khoa học làm nền tảng, và công nghệ làm phương tiện”.

Kết nối tri thức - công nghệ - con người

Chú thích ảnh
Mô hình vũ trụ tại Trung tâm khám phá khoa học tại thung lũng Quy Hòa. 

Từ “thung lũng Trại Cùi”, Quy Hòa hôm nay đã trở thành nơi có hơn 1.200 chuyên gia công nghệ làm việc thường xuyên - một hình ảnh trái ngược đầy ấn tượng. Chưa kể các hoạt động khoa học tầm cỡ thế giới của ICISE đón tiếp hàng chục nghìn nhà khoa học tới từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đến nghiên cứu, phổ biến tri thức khoa học. Cùng với đó là các chương trình dành cho công chúng, du lịch khoa học của Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo, cũng trong thung lũng này.

Thế nhưng điều đó là chưa đủ, Trung tâm AI Long Vân, với tổng vốn 4.500 tỷ đồng, là nơi FPT đặt tham vọng phát triển công nghệ lõi, đặc biệt là chip AI. Đây cũng là mô hình đầu tiên tích hợp khu nghiên cứu, sản xuất, phòng lab và nhà ở chuyên gia. Với sự đồng hành giữa chính quyền, doanh nghiệp và học thuật, Bình Định đang chứng minh rằng, với chiến lược đúng - địa phương có thể trở thành điểm sáng trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Không thể làm bán dẫn nếu thiếu hệ sinh thái bền vững, Bình Định đã phê duyệt đề án chiến lược khác là đào tạo 7.500 nhân lực chất lượng cao đến năm 2030 cho ba ngành mũi nhọn: AI, bán dẫn và an ninh mạng. Đây là một trong những đề án nhân lực số đầu tiên tại Việt Nam có quy mô bài bản và lộ trình 5 năm. Đại học FPT, Đại học Quy Nhơn cùng các trường nghề, viện nghiên cứu đang cùng phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cùng lúc đó, đề án đào tạo nguồn nhân lực công nghệ của tỉnh cũng đi vào chiều sâu. Năm 2025, Đại học FPT Quy Nhơn sẽ cho ra mắt thế hệ kỹ sư AI đầu tiên - được tuyển chọn, huấn luyện bài bản, tốt nghiệp theo mô hình phân kỳ liên tục để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Các chương trình mentoring, học bổng, khóa học miễn phí từ các chuyên gia quốc tế đang ngày càng phổ biến.

Mỗi năm, Đại học FPT sẽ cho “ra lò” 3 đợt kỹ sư phần mềm, công nghệ thông tin nối tiếp nhau để kịp “tu nghiệp” và đưa vào sử dụng trong chính hệ sinh thái FPT. Điểm đặc biệt của mô hình phát triển tại Quy Nhơn là sự cộng hưởng giữa ba yếu tố: tri thức học thuật – công nghệ ứng dụng – môi trường sống lý tưởng. Tất cả đang được tích hợp tại không gian Long Vân – Long Mỹ, khu công nghệ cao mới của tỉnh Bình Định.

Tỉnh Bình Định đang “tích hợp” đô thị khoa học Quy Hòa với Trung tâm sáng tạo AI - Khu đô thị Long Vân bằng một tuyến đường vượt núi 1.107 tỉ đồng vốn đầu tư. Bắt đầu từ cuối năm 2026, “siêu đô thị khoa học và sáng tạo” của Quy Nhơn sẽ được hình thành. Từ 2030, sẽ có hơn 20.000 chuyên gia, kỹ sư phần mềm sinh sống và làm việc tại đây. Giá trị kinh tế, giá trị thặng dư từ trí tuệ nhân tạo của khu vực này tạo ra không dễ đong đếm được.

Hệ sinh thái này đang thu hút các doanh nghiệp mới, các quỹ đầu tư mạo hiểm và những "đại bàng công nghệ" khác. Điều quan trọng là: Quy Nhơn không chỉ tạo ra việc làm, mà tạo ra một phong cách sống mới cho giới công nghệ - nơi có thể sống xanh, làm việc sâu, sáng tạo bền vững.

Với những bước đi bài bản, tầm nhìn rõ ràng và quyết tâm không thay đổi, câu hỏi "Bình Định có thể làm chủ được công nghệ lõi hay không" đang dần trở thành câu trả lời chắc chắn trong tương lai gần.

Bài và ảnh: Kha Phạm (TTXVN)
Cơ hội và thách thức trong phát triển công nghệ tài chính tại TP Hồ Chí Minh
Cơ hội và thách thức trong phát triển công nghệ tài chính tại TP Hồ Chí Minh

Trong làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ trên toàn cầu, công nghệ tài chính (Fintech) không còn chỉ là xu hướng mà đang trở thành một trụ cột chiến lược trong định hình tương lai hệ thống tài chính quốc gia. Tại Việt Nam, Fintech được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn trong hành trình xây dựng nền tài chính minh bạch, toàn diện và hiện đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN