Có 30 phường, xã với số dân gần 1,1 triệu người, Biên Hòa hiện là thành phố trực thuộc tỉnh có số phường, xã nhiều nhất trong cả nước. Trải qua hơn 320 năm hình thành và phát triển, vùng đất thuộc khu vực Đông Nam Bộ này còn là nơi lưu dấu nhiều địa danh có ý nghĩa lịch sử như di tích văn hóa, lịch sử quốc gia Văn miếu Trấn Biên được xây dựng từ năm 1715 - văn miếu xây dựng sớm nhất ở phương Nam; Sân bay Biên Hòa, Tổng kho hậu cần Long Bình - nơi từng diễn ra các trận đánh ác liệt, ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Biên Hòa cũng chính là địa phương đi tiên phong trong lĩnh vực phát triển công nghiệp của cả nước.
Kế thừa, phát huy truyền thống, tập trung phát triển thành phố theo hướng đô thị thông minh, bền vững, xứng tầm đô thị loại 1, Biên Hòa hôm nay đang có những bước chuyển mình rõ rệt, khẳng định vị thế của một cực phát triển quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nội dung này được nhóm phóng viên TTXVN phản ánh qua hai bài viết với chủ đề: Xây dựng thành phố thông minh, khẳng định vị thế đô thị Biên Hòa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bài 1: Xứng tầm đô thị loại 1
Để trở thành đô thị phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thông minh, hiện đại, là điểm đến của các nhà đầu tư, là thành phố đáng sống cho người dân, Biên Hòa tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng thành phố văn minh, quy hoạch đồng bộ, coi đây là nền tảng quan trọng cho một đô thị trung tâm, hiện đại của Đồng Nai ở cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ.
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - khoa học và công nghệ của tỉnh Đồng Nai, thành phố công nghiệp lớn của cả nước, đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực miền Đông Nam Bộ, Biên Hòa đặc biệt coi trọng việc phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, tạo đà cho sự phát triển toàn diện của thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: Chỉ tính riêng trong 5 năm (2015 - 2020) thành phố đã thực hiện rất nhiều dự án, công trình chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để từng bước hoàn thiện diện mạo của một đô thị loại 1, hướng tới đô thị thông minh. Cụ thể trong 5 năm qua, Biên Hòa đã có 48 dự án hạ tầng kỹ thuật được xây dựng, trong đó có nhiều công trình thuộc lĩnh vực giao thông và các công trình xử lý cấp thoát nước với tổng mức đầu tư trên 2.254 tỷ đồng.
Chẳng hạn, công trình cầu An Hảo kết nối giao thông cho cù lao Phố (phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) đã đánh thức tiềm năng kinh tế vùng ven sông Đồng Nai. Đây cũng được coi là cây cầu tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị, giúp rút ngắn thời gian lưu thông từ phía Đông sang phía Tây thành phố, kết nối với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ. Hoặc công trình hầm chui ngã tư Tân Phong đã góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao đường Đồng Khởi và đường Nguyễn Ái Quốc thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm. Đây cũng là cửa ngõ chính cho người dân từ một số số phường trọng điểm của thành phố như Trảng Dài và Tân Phong, Tân Hiệp, Hố Nai đi đến các khu công nghiệp Amata, Biên Hòa 2, Loteco Long Bình làm việc.
Liên quan đến việc bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng chỗ học cho học sinh, đã có thời gian thành phố Biên Hòa hết sức khó khăn trong giải quyết vấn đề này do sức ép của đô thị, tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh. Để giải quyết tồn tại này, trong 5 năm qua, thành phố đã có 25 công trình xây dựng trường lớp được thực hiện, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ở đô thị có số dân lên tới gần 1,1 triệu người. Đến thời điểm này, Biên Hòa đã cơ bản khắc phục được tình trạng học sinh phải học ca 3 trên địa bàn.
Chị Bùi Thị Hoa, một người dân ở phường Trảng Dài - phường được gọi là “siêu phường” bởi số dân lên tới 120.000 người chia sẻ: Chị sống ở thành phố Biên Hòa đã được gần 20 năm và nhận thấy thành phố trong những năm gần đây đã có sự đổi thay rất lớn. Khu vực phường Trảng Dài trước đây đường sá, hệ thống điện nước rất khó khăn. Những con đường như Nguyễn Khuyến, Dương Tử Giang trước đây là đường đất thì nay đã được trải nhựa. Trường học cũng đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Dù sống ở phường đông dân của thành phố, nhưng chị Hoa rất mừng là hiện nay con của chị đang học ở Trường Trung học cơ sở Trảng Dài được xây dựng khang trang và không phải học ca 3. Chị Hoa cũng cho biết, với việc xây dựng Biên Hòa theo hướng đô thị thông minh, chị rất vui mừng vì tin rằng với việc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ vào việc điều hành, quản lý thành phố, cùng với đó là tăng cường liên kết, kết nối với các đô thị lớn, chắc chắn những người dân như chị sẽ thuận lợi hơn trong các hoạt động học tập, làm việc, sản xuất kinh doanh.
Xây dựng đô thị văn minh
Giữa nhịp sống sôi động của một thành phố công nghiệp, Biên Hòa cũng rất coi trọng việc gìn giữ môi trường và cảnh quan thiên nhiên cho đô thị. Thành phố Biên Hòa là một trong những địa phương đã được Hiệp hội Đô thị Việt Nam công nhận là đô thị xanh - sạch - đẹp, xứng tầm đô thị trung tâm của tỉnh Đồng Nai.
Có được kết quả này, theo đại diện UBND thành phố Biên Hòa: Trong quá trình nâng cấp chỉnh trang đô thị, đặc biệt là ngay sau khi thành phố Biên Hòa được công nhận đô thị loại 1, Đảng bộ thành phố đã có nghị quyết chuyên đề về xây dựng đô thị văn minh - an toàn giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Biên Hòa huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, nhân dân trong xây dựng môi trường đô thị, thể hiện qua từng nội dung cụ thể như giữ gìn trật tự công cộng, xây dựng lòng đường, vỉa hè đảm bảo mỹ quan, bảo vệ cảnh quan, môi trường thành phố, xây dựng nếp sống văn hóa,... Thành phố cũng quan tâm việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các điểm di tích, nơi sinh hoạt của cộng đồng; các khu cụm công nghiệp trên địa bàn, đảm bảo hệ thống xử lý rác thải đạt quy chuẩn của cơ quan chức năng.
Ông Đặng Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng (thành phố Biên Hòa) cho biết: Để tạo chuyển biến về mỹ quan đô thị, thành phố đã có kế hoạch xây dựng tuyến phố văn minh. Ngay tại phường nội ô Quyết Thắng, tuyến đường Hà Huy Giáp được chọn là tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của thành phố, được quy hoạch một cách đồng bộ với hệ thống cáp viễn thông, dây điện được hạ ngầm, vỉa hè thông thoáng, cây xanh được trồng mới, đèn chiếu sáng được đầu tư lắp đặt mới,... Mỗi đơn vị, doanh nghiệp cũng đầu tư làm những tiểu cảnh trang trí, trồng cây cảnh phù hợp trong khuôn viên, tạo cảnh quan đẹp, xanh cho thành phố. Nhờ đó, giờ đây tuyến đường Hà Huy Giáp đã trở nên thông thoáng, sạch đẹp hơn rất nhiều so với trước. Sau tuyến đường này, nhiều tuyến đường khác ở thành phố Biên Hòa như đường Võ Thị Sáu, 30/4 cũng được triển khai nhân rộng việc xây dựng tuyến phố văn minh.
Ông Trương Văn Cường, cán bộ hưu trí ở khu phố 2, phường Quyết Thắng, nhận xét: Biên Hòa hiện nay đã có rất nhiều đổi thay, thành phố được quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ. Thành phố có những không gian xanh cho đô thị như công viên Cách mạng Tháng Tám, công viên Nguyễn Văn Trị. Trong đó, tuyến phố đi bộ Nguyễn Văn Trị đã trở thành điểm đến của cả người dân và du khách đến Biên Hòa.
Bài cuối: Giải pháp đột phá