Theo đó, 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực được tỉnh Bến Tre lựa chọn là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao, gồm bưởi, dừa, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, lợn, bò và tôm biển.
Đây là nhóm nông sản hiếm khoảng 54,2% tỷ trọng giá trị sản xuất và 52,87% tỷ trọng giá trị tăng thêm trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khu vực I, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của kinh tế tỉnh.
Bưởi da xanh thuộc nhóm 8 loại nông sản chủ lực của tỉnh Bến Tre. |
Để xây dựng và phát triển 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực thành công, tỉnh Bến Tre đặt ra mục tiêu giai đoạn 2017 – 2018 sẽ hoàn thành xây dựng thương hiệu và hoàn thiện chuỗi, hình thành hoạt động ít nhất một hợp tác xã kiểu mới tiêu biểu cho mỗi nông sản tham gia chuỗi giá trị; riêng đối với sản phẩm dừa, xây dựng thương hiệu “sản phẩm mạnh” và hình thành hoạt động ít nhất hai hợp tác xã.
Giai đoạn 2019 – 2020, nâng cấp và tổ chức nhân rộng chuỗi giá trị. Giai đoạn 2021 – 2025 tiếp tục phát triển chuỗi giá trị nông sản đã hình thành theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu và nhân rộng đối với một số sản phẩm nông nghiệp khác.
Theo ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực vừa tạo ra cơ hội cũng như thách thức đối với các loại nông sản tham gia. Khi tham gia chuỗi giá trị chủ lực thì các loại nông sản sẽ được thị trường ưa chuộng, xu hướng tiêu dùng gia tăng, xuất khẩu ngày càng được mở rộng.
Cơ cấu sản xuất nông sản chủ lực có sự dịch chuyển theo hướng tăng năng suất, chất lượng, nâng cao gía trị gia tăng trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng và lợi thế từng vùng sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh gắn với bảo đảm môi trường.
Tỉnh Bến Tre cho biết, để xây dựng và phát triển được chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực, đòi hỏi các cấp, các ngành cần tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về xu hướng tất yếu phát triển chuỗi giá trị nông sản và xu hướng tiêu dùng sạch để chủ động, tự giác tham gia hợp tác sản xuất – liên kết chuỗi. Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản bằng cách xác định quy mô phù hợp với từng sản phẩm, ngành hàng tại các địa phương, người sản xuất (tổ hợp tác, hợp tác xã), doanh nghiệp đầu vào – đầu ra và các tác nhân liên quan.
Bên cạnh đó, hình thành các liên kết ngang; chú trọng vận động, mời gọi doanh nghiệp đầu ra tiêu thụ mạnh, ổn định các nông sản chủ lực của tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các tác nhân gặp gỡ, trao đổi thường xuyên, ký kết các hợp đồng trách nhiệm liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản,…
Ngoài ra, cần triển khai thực hiện liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, liên kết bốn tỉnh ABCD MeKong và Tiểu vùng giữa sông Tiền, sông Hậu (gồm 4 tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh) để liên kết sản phẩm nông nghiệp có lợi thế và xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp chủ lực với 2 sản phẩm dừa và bưởi. Sau đó từng bước nhân rộng các sản phẩm chủ lực khác.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre tính, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Bến Tre có trên 69.000 ha trồng dừa; diện tích cây ăn trái ước khoảng trên 27.000 ha, chủ yếu là các loại cây đặc sản như bưởi da xanh (trên 5.000ha), chôm chôm (trên 5.500 ha), nhãn (trên 4.000 ha),…; diện tích trồng cây hoa kiểng khoảng 730 ha. Riêng đối với nuôi tôm biển (nuôi thâm canh tôm canh trắng chiếm ưu thế hơn so với nuôi tôm sú) đã hình thành các vùng nuôi tập trung chuyên canh, thâm canh tại ba huyện biển: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.