Việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra về cơ cấu lại nền kinh tế sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển.
Khó khăn và tồn tại
Theo Báo cáo đánh giá Sơ kết kết quả cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang từng bước được cải thiện và đạt mức tương đối cao. Lạm phát được kiểm soát dưới 5% từ năm 2014, riêng năm 2017 là 2,6% và năm 2018 dự báo dưới 4%. Cán cân thanh toán thặng dư 8,4 tỷ USD trong năm 2016 và 12,5 tỷ USD trong năm 2017. Dự trữ ngoại hối đã lên đến khoảng 60 tỷ USD.
Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện rõ rệt. Năng suất lao động năm 2017 tăng khoảng 6%, cao hơn so với mức tăng năm 2016 (5,31%), cao hơn đáng kể trung bình giai đoạn 2011 - 2015 (4,35%) và đã đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 27 về chương trình hành động của Chính phủ (5,5 - 6% hàng năm)…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế còn những tồn tại, hạn chế. Đó là động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế trong nhiều năm qua dựa vào vốn đầu tư và công nghiệp khai khoáng đã không còn nhiều dư địa, trong khi thiếu động lực tăng trưởng mới cho giai đoạn 2019 - 2020. Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ lệ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, nhưng giá trị gia tăng tạo ra vẫn còn thấp. Chất lượng tăng trưởng còn hạn chế do phát triển mất cân đối, phụ thuộc vào khu vực FDI; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển tương xứng, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào lớn.
Thêm vào đó, năng lực cạnh tranh yếu, năng suất lao động thấp, hạ tầng chưa đồng bộ, phát triển thiếu quy hoạch đã ảnh hưởng đến tăng trưởng bền vững và khiến nền kinh tế có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, cũng như tụt hậu so với các nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra các mục tiêu về chất của quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước đang tiến triển chậm. Cụ thể, hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp có vốn nhà nước đang có xu hướng giảm sút trong các năm gần đây, chưa tương xứng với nguồn lực doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ. Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao, chất lượng cổ phần hóa và thoái vốn chưa đáp ứng kế hoạch đề ra. Việc cơ cấu lại một số dự án đầu tư kém hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước còn chậm.
Ngoài ra, vẫn còn một số mục tiêu khó hoàn thành, bao gồm mục tiêu nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công của Việt Nam để đáp ứng thông lệ quốc tế, đặc biệt các thể chế và quy định ở khâu lập, thẩm định, lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư. Việc cơ cấu lại đầu tư công chưa gắn chặt với định hướng cơ cấu lại các ngành kinh tế và cơ cấu lại ngân sách nhà nước…
Đối với lĩnh vực ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu còn lớn so với mục tiêu đề ra, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế, tạo lực cản đối với các tổ chức tín dụng hạ mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tình trạng sở hữu chéo các tổ chức tín dụng đã được xử lý bước đầu, nhưng còn phức tạp, với nhiều hình thức sở hữu tinh vi, khó phát hiện…
“Những tồn tại, hạn chế của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian qua do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân quan trọng là việc tổ chức thực hiện chưa đủ mức toàn diện và quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Sớm xây dựng khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá
Một trong những giải pháp quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng vừa được tổ chức tại Hà Nội mới đây là yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Cùng đó, hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành xây dựng bộ chỉ tiêu chi tiết giám sát, đánh giá cho từng đề án.
Để thực hiện giải pháp này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, xây dựng Khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và kết quả thực hiện đối với toàn bộ nền kinh tế và với từng ngành, lĩnh vực cụ thể, trước mắt trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Tổng cục Thống kê đề xuất xây dựng khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá tổng thể ở tầm vĩ mô, bao gồm các chỉ tiêu định lượng chung nhất, rõ ràng đối với các nội dung trọng tâm và nhiệm vụ ưu tiên đã được đề ra.
“Xây dựng khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng sẽ tập trung vào các nhóm chỉ tiêu chính như: nhóm chỉ tiêu đánh giá chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh; nhóm chỉ tiêu cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước; nhóm chỉ tiêu về cơ cấu lại thị trường tài chính; nhóm chỉ tiêu về cơ cấu lại ngành kinh tế, vùng kinh tế; nhóm chỉ tiêu về thể chế thị trường các nhân tố sản xuất”, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.
Theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam cần có những thay đổi mạnh mẽ và cần chú trọng tới sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, thuận lợi, giảm rào cản kinh doanh, chi phí và rủi ro thể chế đối với khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân.
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu, cần giải pháp căn bản và có tính mục đích rõ ràng. Chúng ta cần đưa ra một hệ thống thể chế, cơ chế khuyến khích trên nền tảng tự do cạnh tranh. Ngoài ra, Chính phủ cũng phải tác động và can thiệp vào phát triển nguồn nhân lực, hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ cao.
TS Nguyễn Đình Cung, Tổ trưởng Tổ thư ký Ban Chỉ đạo quốc gia cho rằng, việc tái cơ cấu đạt được mục tiêu đề ra có thể giúp tăng trưởng đến 7,5%/năm hoặc cao hơn và duy trì tốc độ này đến năm 2025. Do đó, ông khuyến nghị có thể tìm thêm động lực tăng trưởng mới ngay trong nội tại nền kinh tế như: thúc đẩy 3 đầu tàu kinh tế là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến 7 nhiệm vụ trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2018 - 2020. Đó là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất; rà soát, hoàn thiện luật pháp liên quan về đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp. Đồng thời, phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất; tập trung xây dựng chính sách phát triển các ngành kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
“Đặc biệt, trên cơ sở hệ thống chỉ tiêu được ban hành, chúng ta cần tiến hành đánh giá khách quan, nghiêm túc và kịp thời các điểm thuận lợi và khó khăn của quá trình cơ cấu lại kinh tế trong từng lĩnh vực và yêu cầu gắn với trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.