Bất cập khi triển khai Nghị định 67: 'Kiệt sức' để chuyển đổi nghề

Nghị định 67/2014/NĐ/CP của Chính phủ (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời, đã mở ra cơ hội lớn cho ngư dân đóng tàu công suất lớn vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, qua một thời gian triển khai, nhiều tàu dịch vụ hậu cần ở tỉnh Bình Định khai thác không hiệu quả, phải nằm bờ. Nhiều chủ tàu rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần, "kiệt sức" để chuyển đổi nghề.

Tiến thoái lưỡng nan

Chú thích ảnh
Hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định bị hư hỏng phải nằm ở cảng cá Quy Nhơn chờ sửa chữa. Ảnh tư liệu: Nguyên Linh/TTXVN

Hơn hai năm qua, ở cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) có 3 tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần trên biển, được đóng mới theo Nghị định 67, vẫn nằm phơi nắng, phơi mưa. Chủ của 3 tàu dịch vụ hậu cần này đang "chạy đôn, chạy đáo" xin chuyển đổi sang nghề mành chụp.

Chiếc tàu hậu cần BĐ 99479 TS của ông Nguyễn Đức Hưng, trú xã Cát Khánh, huyện Phù Cát neo đậu trong cảng Đề Gi đã 2 năm nay. Tàu neo đậu lâu ngày, hàu bám đầy thân, thân và boong tàu xuất hiện nhiều vết gỉ sét.

Ông Hưng cho biết, theo Nghị định 67, năm 2016 ông vay vốn ngân hàng 17 tỷ đồng, cộng với vốn đối ứng của gia đình gần 1 tỷ đồng để đóng con tàu dịch vụ hậu cần dài 35,6m, rộng 8,2m, công suất 880CV để cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm và mua cá tươi của các tàu con rồi đưa vào bờ với thời gian sớm nhất.

“Đầu năm 2017, tôi đi chuyến biển đầu tiên bị lỗ 100 triệu đồng. Hai chuyến biển tiếp theo mỗi chuyến lỗ thêm 200 triệu đồng. Nỗi lo chất chồng từ đó", ông Hưng buồn bã.

Tương tự, con tàu dịch vụ hậu cần BĐ 99569 TS của ông Lê Văn Mi, trú xã Cát Khánh, huyện Phù Cát đóng mới 18 tỷ đồng cũng liên tục thua lỗ, neo ở cảng Đề Gi hơn hai năm nay. Hiện ông Mi đã nợ quá hạn khoảng 2 tỷ đồng.

Thất vọng nhất là trường hợp ông Đỗ Công Quý, cũng ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát - chủ tàu hậu cần BĐ 99888 TS có công suất 940CV. Từ một ông chủ thủy sản nổi tiếng giàu có ở cảng cá Đề Gi, do theo đuổi tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần mà hiện ông Quý đã bại sản.

Cuối năm 2016, ông Quý nhận tàu và đi chuyến biển đầu tiên, tàu ông Quý mua được nhiều cá, nhưng khi về bờ thì toàn bộ phần cá trong hầm chứa đều bị hỏng. Sự cố này đã khiến ông Quý thua lỗ hơn 1 tỷ đồng. Khắc phục lại hầm cá, ông Quý đi chuyến thứ hai thì tàu hỏng máy, phải tốn tiền thuê tàu khác kéo vào bờ.

“Tàu của tôi nằm bờ hơn hai năm rồi. Toàn bộ tài sản dồn hết vào con tàu, giờ gia đình tôi đã khánh kiệt. Tôi có nguyện vọng chuyển đổi từ dịch vụ hậu cần qua làm nghề mành chụp, nhưng chi phí tốn thêm 4-5 tỷ đồng, giờ chỉ trông mong ngân hàng tạo điều kiện cho vay thêm vốn để cải hoán tàu, sắm ngư cụ vươn khơi. Nếu không, chúng tôi chỉ có nước phá sản, bỏ tàu cho ngân hàng”, ông Quý giọng buồn bã.

Nguyên nhân tàu dịch vụ hậu cần làm ăn thua lỗ vì sự cố hàng loạt tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị hư hỏng phải nằm bờ. Nhiều tàu vỏ thép nghề vây rút đều đã cải hoán thành nghề mành chụp nên tàu hậu cần không còn mối để thu mua hải sản.

Bên cạnh đó, chủ tàu vỏ thép không muốn bán cá lại cho tàu hậu cần cũng như không mua hàng từ các tàu dịch vụ hậu cần này. Tình huống dở khóc dở cười này khiến cho cả 3 chủ loại tàu nói trên đều mong được chuyển đổi từ tàu dịch vụ hậu cần sang làm nghề mành chụp, nhưng đợi chờ trong vô vọng.

Nan giải nợ xấu “tàu 67”

Tỉnh Bình Định hiện có 61 tàu cá gồm 48 tàu vỏ thép, 8 tàu composite, 5 tàu gỗ đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Thế nhưng ngoài 4 tàu đã bị chìm ngoài khơi, thì có tới 27 tàu bị hư hỏng chỉ sau vài chuyến biển, phải nằm bờ.

Sau khi được sửa chữa, nâng cấp, nhiều tàu tiếp tục vươn khơi, làm ăn có lãi. Tuy nhiên, vẫn còn 8 tàu vỏ thép hoạt động kém hiệu quả, liên tục thua lỗ nên đang xin chuyển đổi sang nghề mành chụp. Hiện các chủ tàu này đang rất khó khăn, mong muốn được giãn nợ, vay thêm vốn để chuyển đổi ngành nghề.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Bình Định, các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho 62 hợp đồng đóng mới tàu theo Nghị định 67, với số tiền hơn 911 tỷ đồng. Hiện có 44 chủ tàu nợ quá hạn gốc và lãi suất ngân hàng, với tổng số tiền 156 tỷ đồng; trong đó, tiền gốc gần 74 tỷ đồng, tiền lãi hơn 82 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định Nguyễn Trà Dương cho rằng, các ngân hàng không giám sát được doanh thu của các "tàu 67" nên đa số các chủ tàu báo cáo thua lỗ, không trả nợ theo đúng quy định, việc thu hồi nợ rất khó khăn.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, quy định “tàu 67” khi chuyển đổi nghề thì các chủ tàu phải thuê đơn vị thiết kế, thiết kế trước khi cải hoán; xây dựng lại phương án sản xuất kinh doanh; phải đảm bảo được việc trả nợ vay của ngân hàng và trình cấp thẩm quyền, ngành chức năng xác nhận, thẩm định, phê duyệt.

Nhưng hiện chưa có quy định hỗ trợ cấp bù lãi suất một khi chủ tàu chuyển đổi nghề, bởi vậy ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, khó giải quyết. Bên cạnh đó, các chủ tàu hậu cần sau nhiều chuyến đi biển thua lỗ đều đã “kiệt sức”, không còn đủ khả năng để chuyển đổi nghề nếu ngân hàng không tiếp tục cho họ vay vốn.

Theo ông Hồ, 3 tàu hậu cần muốn chuyển đổi sang ngành nghề khác thì ngân hàng phải tạo điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, cho vay thêm vốn; đồng thời, chờ Chính phủ có những điều chỉnh, bổ sung về hỗ trợ cấp bù lãi suất cho ngư dân mới mong gỡ rối được.

Trước những vướng mắc đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại nợ theo thẩm quyền, tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa bớt khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu bàn giao khoản nợ vay từ chủ tàu cũ sang chủ tàu mới, quy định về nợ quá hạn, lãi suất cho vay, hỗ trợ lãi suất trong trường hợp chủ tàu mới nhận lại khoản vay của chủ tàu cũ bị quá hạn; tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân có nguồn lực ra khơi bám biển.

Nguyên Linh (TTXVN)
Bất cập khi triển khai Nghị định 67: Từ ngư dân giỏi thành con nợ xấu
Bất cập khi triển khai Nghị định 67: Từ ngư dân giỏi thành con nợ xấu

Với hy vọng “đổi tàu để đổi đời”, nhiều ngư dân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản để vươn khơi, bám biển. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, hàng loạt bất cập phát sinh đã khiến những con tàu vỏ thép này nằm bờ, ngư dân lâm nợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN