Đây là niềm tự hào của các hộ sản xuất bởi sản phẩm của làng nghề truyền thống đã được bảo hộ về mặt pháp lý, mở ra cơ hội mới cho nghề làm giò chả. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo vệ thương hiệu của làng nghề đang là vấn đề được quan tâm.
Quản lý và bảo vệ thương hiệu
Năm 2021, UBND tỉnh Hưng Yên đã giao cho Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ Âu Mỹ thực hiện dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Giò chả Trai Trang dùng cho các sản phẩm giò chả của huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên".
Dự án này được thực hiện với mục tiêu kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng và xúc tiến thương mại cho sản phẩm; góp phần nâng cao được giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm giò, chả của địa phương; tăng đóng góp vào ngân sách địa phương góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của thị trấn Yên Mỹ nói riêng và của huyện Yên Mỹ nói chung.
Do đó, dự án đã xác định các tiêu chí cần đạt được của sản phẩm giò, chả mang nhãn hiệu tập thể "giò chả Trai Trang", từ đó tiến hành thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm; thiết lập các điều kiện, hệ thống công cụ, phương tiện phục vụ quản lý và khai thác, phát triển nhãn hiệu tập thể giò chả Trai Trang của huyện Yên Mỹ; xây dựng và vận hành mô hình tổ chức quản lý hệ thống nhãn hiệu tập thể giò chả Trai Trang của huyện Yên Mỹ trên thực tế.
Sau hơn 1 năm thực hiện, mới đây nhãn hiệu tập thể "giò chả Trai Trang" đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Theo đó, đã có 20 hộ sản xuất kinh doanh giò chả được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể này.
Theo bà Lê Thị Hạnh - Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ Âu Mỹ, khi giò chả Trai Trang đã được đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể là Hội Nông dân thị trấn Yên Mỹ cần nhanh chóng nắm vững và sử dụng tốt các công cụ quản lý và kiểm soát nhãn hiệu tập thể.
Bà Hạnh khuyến cáo, để tránh không rơi vào tình trạng mất nhãn hiệu, Hội Nông dân thị trấn Yên Mỹ cần tập huấn hội viên nhanh chóng cải thiện các khâu chủ chốt liên quan đến chất lượng để sản phẩm khó bị đánh cắp bản quyền, nhái thương hiệu. Cùng đó, cần nâng cấp bao bì thật hấp dẫn và nổi bật với tem chống giả công nghệ xác thực truy xuất nguồn gốc để người dùng dễ dàng phân biệt song song quảng bá sản phẩm, tuyên truyền việc chống hàng giả đến khách hàng.
"Quản lý nhãn hiệu tập thể là cần thiết trong giữ gìn và phát triển nhãn hiệu tập thể. Nhãn hiệu đã được công nhận nhưng nếu không có sự quản lý chặt chẽ khi sử dụng thì việc ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm của cả một tập thể, một vùng đất là điều từng xảy ra, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thuỷ sản", bà Hạnh nói.
Ông Đặng Xuân Lương, Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ khẳng định, việc xây dựng nhãn hiệu là sự đánh dấu, khẳng định tên thương hiệu sản phẩm giò chả Trai Trang được lưu thông một cách hợp pháp và được pháp luật bảo hộ, tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào làm giảm uy tín và danh tiếng của sản phẩm. Tuy nhiên, đây mới là sự khởi đầu, còn việc xây dựng, duy trì thương hiệu là cả một quá trình khó khăn, lâu dài. Chính vì vậy, việc gìn giữ, phát triển thương hiệu đòi hỏi các hộ sản xuất phải hết sức cẩn trọng và giữ được niềm tin của người tiêu dùng.
Giữ gìn thương hiệu bằng chất lượng
Giò chả Trai Trang được công nhận là sản phẩm làng nghề truyền thống chế biến lương thực, thực phẩm và kinh doanh tổng hợp từ năm 2007. Toàn thôn Trai Trang hiện có hơn 40 hộ làm nghề với sản lượng trung bình mỗi hộ 50 kg giò, chả thành phẩm mỗi ngày. Với kỹ thuật riêng, người dân nơi đây đã tạo ra sản phẩm không chỉ bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn linh hoạt, sáng tạo trong quy trình sản xuất, mẫu mã để tạo ra những sản phẩm giò, chả đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.
Nguyên liệu chính làm giò chả ở Trai Trang được nhập từ thịt lợn của các hộ nuôi trong làng. Nơi đây, người làm giò chả và người nuôi lợn có sự liên kết chặt chẽ, trở thành chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn. Nhờ có nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, người dân nơi đây đã tạo ra món giò có hương vị đặc trưng. Giò chả ở Trai Trang không cần quảng cáo, khách hàng khắp nơi nghe danh tiếng vẫn đến đặt mua. Đặc biệt, từ sau khi giò chả Trang Trang được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm được nhiều người biết đến và ngày càng hút khách.
Ông Đỗ Văn Kền, chủ hộ sản xuất giò chả ở thôn Trai Trang cho biết, kể từ khi sản phẩm được cấp nhãn hiệu, khách đến đặt hàng nhiều hơn, đặc biệt là bếp ăn tập thể của các trường học, công ty. Trung bình mỗi ngày gia đình cung cấp khoảng 100 kg thành phẩm ra thị trường. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, lượng giò chả tiêu thụ tại gia đình tăng gấp 2-3 lần thường ngày.
Chị Nguyễn Thị Lương, chủ cơ sở giò chả Lương Thịnh, người được truyền nghề giò chả lâu năm ở thôn Trai Trang cho biết, kể từ khi giò chả Trai Trang được công nhận nhãn hiệu tập thể, gia đình chị cũng như các hộ làm giò chả trong thôn luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu để giữ uy tín, đặc biệt là khâu lựa chọn nguyên liệu và an toàn vệ sinh thực phẩm. Muốn giò ngon thì phải làm từ thịt nạc tươi, còn hơi ấm của lợn vừa được mổ, không pha trộn và không có chất bảo quản.
Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ Đặng Xuân Lương cũng đề nghị các hộ sản xuất cần thấy rằng uy tín, danh tiếng nhãn hiệu tập thể "giò chả Trai Trang" là tài sản chung của tất cả các hộ sản xuất. Vì vậy, các hộ kinh doanh phải luôn có ý thức giữ gìn đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.