Theo bài báo, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra tiềm năng và lợi ích của việc đầu tư vào công nghệ và hiện đi đầu trong phát triển kỹ thuật số trong khu vực. Các khu công nghệ cao mới đã được thành lập tại nhiều nơi như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…, trong khi lợi ích của việc giảng dạy công nghệ thông tin ở nhà trường bắt đầu mang lại kết quả.
Bài báo nêu rõ nhiều tập đoàn công nghệ lớn sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam và đầu tư dài hạn khi thấy nước này có tiềm năng về nhân sự công nghệ cao. Các nhà đầu tư kinh doanh quy mô nhỏ hơn đã tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp vốn đang ngày càng gia tăng về số lượng, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch vụ trực tuyến và công nghệ tài chính (Fintech), có tiềm năng lớn để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng.
Bài báo cho rằng với lợi thế về dân số và lực lượng lao động lành nghề, thay vì cạnh tranh trực tiếp với Singapore để trở thành trung tâm công nghệ khu vực, Việt Nam có thể xác định trở thành điểm lựa chọn thay thế. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nới lỏng các điều kiện kinh doanh sẽ mang tính quyết định trong việc đảm bảo Việt Nam có thể khai thác được tiềm năng trên.
Có thể nhận thấy rõ những dấu hiệu về sự chuyển đổi năng động của Việt Nam - từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất giá trị gia tăng đến số lượng ngày càng tăng các dự án bất động sản và nhà ở hỗn hợp. Phần lớn thành công kinh tế đó đến từ những chính sách cải thiện môi trường đầu tư, giúp thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dài hạn.
Một tài sản lớn khác của Việt Nam là lực lượng lao động dồi dào và cạnh tranh. Mỗi năm, lực lượng lao động tại Việt Nam được bổ sung thêm trên 1 triệu người, đem lại cho Việt Nam “cơ cấu dân số vàng”. Tuy nhiên, chẳng có quốc gia nào có thể dựa mãi vào lợi ích có được từ nhân khẩu học. Do vậy, đầu tư vào công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh mới là điều tối quan trọng.
Bài báo cũng nhìn nhận rằng các quốc gia trong ASEAN đã có lịch sử hợp tác lâu dài, và trong bối cảnh hiện nay, truyền thống này cần được tăng cường. Thông qua việc phát triển các chuyên môn bổ sung và ưu tiên thương mại nội khối, ASEAN có thể tận dụng tính năng động của khu vực vốn giúp một số thành viên như Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình trong thời gian kỷ lục. Với kết quả đó, Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia điển hình về quá trình chuyển đổi và phát triển thành công, nơi các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang sẵn sàng tham gia vào nền kinh tế này.