Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng yêu cầu hội nghị nghiên cứu, thảo luận, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác quản lý nhà nước về quản lý phương tiện, thuyền viên. Cụ thể là đánh giá thực trạng việc phân công, phân cấp trong công tác quản lý chuyên ngành trên các tuyến từ bờ ra đảo, gồm: Luồng tuyến, cảng bến, phương tiện, bằng, chứng chỉ thuyền viên… với những khó khăn, bất cập; công tác đào tạo, cấp, đổi bằng, chứng chỉ thuyền viên; công tác quản lý, khai thác thông tin nhận dạng tự động của tàu thuyền; công tác cung cấp thông tin cảnh báo điều kiện thời tiết trên vùng nước thủy nội địa có các tuyến vận tải từ bờ ra đảo...
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Việt Nam là một trong 10 nước có mạng lưới sông, ngòi dày đặc nhất thế giới, với 3.551 sông, kênh lớn, nhỏ, tổng chiều dài khoảng 85.577 km, trong đó, 41.000 km được quản lý, khai thác, sử dụng, 3.260 km đường bờ biển chạy qua 28 tỉnh, thành phố ven biển, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, hàng ngàn km đường thủy từ bờ ra đảo, nối các đảo trong vùng nội thủy đã và sẽ tổ chức quản lý, khai thác vận tải thủy nội địa.
Vùng biển Việt Nam hiện có 39 tuyến vận tải từ bờ ra đảo xuất phát từ các cảng, bến thuộc địa bàn 14 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau đang được giao cho Cục đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam khai thác, quản lý. Một số tuyến từ bờ ra đảo khác giao cho Sở Giao thông Vận tải các tỉnh quản lý như: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang… Kết cấu hạ tầng của các tuyến với 34 cảng, bến và gần 280 phương tiện hoạt động trên 18 tuyến từ bờ ra đảo, đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn giao thông.
Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh, quá trình phát triển của vận tải thủy nói chung, tuyến vận tải từ bờ ra đảo nói riêng luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chiếm tỷ trọng lớn so với các phương thức vận tải khác. Theo đó, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhất là tuyến bờ ra đảo được ngành chức năng, các địa phương chú trọng, triển khai nhiều giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông đường thủy nội địa.
Công tác quản lý chuyên ngành các tuyến vận tải từ bờ ra đảo còn những bất cập, hạn chế, đặc biệt là xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy. Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 11 tháng năm 2023, toàn quốc xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm 18 người tử vong, bị thương 7 người, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 3 vụ, giảm 28 người chết, tăng 2 người bị thương; hàng hải xảy ra 5 vụ, làm hai người tử vong, so với cùng kỳ giảm một vụ, giảm 10 người tử vong và mất tích.
Tại hội nghị, đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề như: Đánh giá thực trạng kết cấu hạ tầng, cảng, bến thủy nội địa trên các tuyến vận tải đường thủy từ bờ ra đảo; thực tình hình tai nạn giao thông, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa; việc phân công, phân cấp trong công tác quản lý chuyên ngành trên các tuyến từ bờ ra đảo về luồng tuyến, cảng bến, phương tiện, bằng, chứng chỉ thuyền viên và khó khăn, bất cập… và nội dung quan trọng khác có liên quan.
Qua thảo luận, góp ý kiến, các đại biểu thống nhất cần triển khai đồng bộ và tăng cường hơn nữa giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhằm ngăn chặn không để vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu giảm từ 5 - 10% số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương hàng năm thời gian tới.
Cụ thể cơ quan chức năng và các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa nhằm nâng cao hơn nữa ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận tải thủy, quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa.
Ngành chức năng rà soát và xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy nội địa; quản lý chặt chẽ công tác đào tạo thuyền viên người lái phương tiện thủy nội địa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa. Lực lượng chức năng kiên quyết không cấp phép rời cảng, bến thủy nội địa đối với các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn, hàng hóa chở trên phương tiện vượt quá dấu mớn nước an toàn; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phối hợp liên ngành kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm hành chính theo trọng tâm, trọng điểm, phức tạp, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm…