Bà Rịa - Vũng Tàu mở rộng cây ca cao đáp ứng nhu cầu thị trường

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 614 ha trồng ca cao.

Với diện tích này, hiện nay nguồn cung không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường, nhất là xuất khẩu đi các nước. Vì vậy, tỉnh đang tăng cường mở rộng diện tích loại cây trồng này để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chú thích ảnh
Ông Trần Như Phong, ấp Tân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức thu hoạch ca cao. 

Cây ca cao đã bén rễ trên đất Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 20 năm nay. Ca cao của tỉnh đã được nhiều thị trường khó tính của nước ngoài đánh giá rất tốt về chất lượng, có hương vị thơm ngon và được xếp trong top 100 loại ca cao ngon nhất thế giới.

Ông Trần Như Phong, ngụ ấp Tân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức gắn bó với cây ca cao đến nay đã 18 năm, hiện nay gia đình ông có 2 ha trồng ca cao xen với các loại cây điều, tiêu; trong đó có 1,2 ha đang cho thu hoạch ổn định. Mỗi năm, 1,2 ha ca cao này cho gia đình ông thu về khoảng 15 tấn trái tươi, sau khi trừ chi phí ông còn lời trên 100 triệu đồng.

Ít ai biết rằng, vườn ca cao này đã có lúc ông Phong có ý định chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác, bởi giá cả và đầu ra của trái ca cao lúc đó không ổn định, sâu bệnh nhiều.

Sau nhiều năm bỏ bê vườn ca cao, ông Phong có tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, thêm vào đó được sự hỗ trợ từ Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất ca cao Thành Đạt về giống, vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm, thay vì canh tác theo hướng vô cơ, ông bắt đầu chuyển hẳn sang canh tác ca cao hữu cơ, tức là hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Nếu như trước đây, mỗi kg trái ca cao chỉ có giá 6 nghìn đồng thì nay ông bán được với giá 8 nghìn đồng/kg và đầu ra rất ổn định được phía công ty thu mua hết.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ca cao của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cao, tuy nhiên nguồn nguyên liệu đáp ứng chưa nhiều. Hiện nay, huyện Châu Đức là địa phương có diện tích cây ca cao lớn nhất của tỉnh với 360 ha, đây cũng là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhất để trồng cây ca cao, năng suất đạt từ 2,4 - 3 tấn hạt khô/ha/năm.

Dù được xác định là cây trồng chủ lực của huyện, thế nhưng sản lượng ca cao hiện nay của huyện Châu Đức chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu của các cơ sở, doanh nghiệp, vẫn chưa được người nông dân quan tâm mở rộng diện tích, năng suất bình quân khá thấp. Người dân trồng ca cao với quy mô nhỏ, manh mún nên khó khăn cho việc hướng dẫn kỹ thuật, khiến cây sinh trưởng kém, nhiều sâu bệnh.

Nhận thấy được tiềm năng của cây ca cao và thực trạng ngành nông nghiệp của địa phương, nhằm nâng tổng diện tích cây ca cao trên địa bàn, UBND huyện Châu Đức đã phân bổ chỉ tiêu trồng cây ca cao năm 2023 cho các xã, thị trấn trên toàn huyện, vận động cả hệ thống chính trị của địa phương cùng chung tay tham gia vận động người nông dân mở rộng diện tích cây ca cao, góp phần ổn định sản xuất, giảm thiểu rủi ro.

Để mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển cây ca cao bền vững, UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí 2,7 tỷ đồng để đầu tư cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp thực hiện quy trình canh tác cây ca cao theo mô hình VietGAP, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị… cho 80 hộ nông dân, với diện tích trồng 50 ha.

Chú thích ảnh
Du khách trải nghiệm làm kẹo socola tại Công ty Binon ca cao, xã Xà Bang, huyện Châu Đức. 

Song song đó, địa phương cũng đã nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi nhiều doanh nghiệp hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao để phát triển cây ca cao cho nông dân; tập trung triển khai thêm nhiều giải pháp nhằm phát triển cây ca cao theo hướng bền vững, đạt mục tiêu nâng cao năng suất, sản lượng gắn với chất lượng; đồng thời hỗ trợ nhiều hơn cho người dân về kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, phòng chống các đối tượng dịch hại tấn công cây ca cao, gây thiệt hại cho nông dân.

Ngoài việc, một số doanh nghiệp triển khai liên kết thu mua trái ca cao tươi của bà con nông dân để sản xuất ra các sản phẩm như: bột ca cao, kẹo socola, rượu ca cao, trà ca cao, nước ép ca cao… và xuất khẩu sang các nước như: Nhật bản, Hàn Quốc, Malaysia và thị trường châu Âu. Cũng đã có một số doanh nghiệp phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc trải nghiệm thú vị từ việc trồng, chăm sóc và chế biến ca cao.

Công ty cổ phần Binon Cacao, xã Xà Bang, huyện Châu Đức đi vào hoạt động từ tháng 5/2019, công ty đã xây dựng một công viên ca cao với khoảng 46 ha. Đến đây, du khách không chỉ tham quan phong cảnh mà còn có dịp nếm thử vị của hạt ca cao tươi và được hướng dẫn viên hướng dẫn xem quy trình sản xuất ra thành bột ca cao và socola. Du khách cũng có thể khám phá và thử thách khả năng sáng tạo của bản thân, bằng việc tự tay làm ra những thanh socola.

Hiện nay, công ty đang sản xuất các sản phẩm chính bột ca cao nguyên chất, rượu, ngũ cốc, trà, hạt lip và khoảng 30 loại kẹo socola.

Bà Lý Tú Anh, Trưởng bộ phận Hành chính Nhân sự, Công ty cổ phần Binon Cacao cho biết, để phục vụ cho việc chế biến các sản phẩm xuất khẩu Nhật Bản, cùng với việc phục vụ du khách khi đến công viên ca cao tham quan, trải nghiệm nhu cầu 1 tháng phía công ty cần thu mua 20 tấn trái ca cao tươi. Thế nhưng, hiện nay thị trường không đủ để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Trước nhu cầu tiêu thụ ca cao ngày càng tăng, trong khi nguồn cung nguyên liệu đáp ứng chưa nhiều, ngành nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện quy trình trồng ca cao hữu cơ, mở rộng, tăng diện tích trồng ca cao tại huyện Châu Đức lên 650 ha; trong đó xây dựng 15 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ca cao Bà Rịa - Vũng Tàu đang ngày càng chinh phục được các thị trường khó tính vì không chỉ đầu tư cho khâu chế biến, mà các hộ nông dân đã và đang dần chú trọng đầu tư cho khâu canh tác tạo ra vùng nguyên liệu sạch cho đầu vào.

“Trong thời gian tới, chi cục cũng sẽ nỗ lực để là cầu nối để đưa những sản phẩm nông nghiệp an toàn; trong đó có sản phẩm chế biến từ trái ca cao của tỉnh có chỗ đứng và vươn xa ra thị trường không chỉ trong nước mà còn đi các nước trên thế giới”, ông Nguyễn Chí Đức nói.

Bài và ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
EU cấm nhập cà phê, ca cao trồng tại rừng suy thoái
EU cấm nhập cà phê, ca cao trồng tại rừng suy thoái

Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN