ASEAN 2020: Việt Nam thúc đẩy hợp tác và triển khai hiệu quả các ưu tiên kinh tế

Với vai trò chủ trì kênh kinh tế, trên cơ sở chủ đề của Năm ASEAN 2020 - “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam đã đặt ra các định hướng ưu tiên trong trụ cột kinh tế ASEAN trong năm 2020.

 Dựa trên những định hướng này, Việt Nam đã chủ động đề xuất các hoạt động và chương trình hợp tác để đảm bảo ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thiết lập cộng đồng kinh tế, có vị trí trung tâm trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và toàn cầu.

Bên lề Lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về vai trò của Việt Nam cũng như vai trò điều phối các hoạt động trong trụ cột kinh tế của ASEAN 2020 sau 1 năm đảm nhận.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Xin Bộ trưởng chia sẻ về vai trò dẫn dắt của Việt Nam và Bộ Công Thương khi thực hiện một trong ba trụ cột của ASEAN trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020?

ASEAN là bước đi đầu tiên và từ đó luôn được coi là ưu tiên hàng đầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Do vậy, với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, ngay từ đầu năm Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình với sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực từ các nước thành viên ASEAN và các Đối tác để hiện thực hóa tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” - Chủ đề của Năm ASEAN 2020.

Tinh thần này ngay lập tức được phát huy ngay từ đầu năm, cụ thể là việc Hội nghị Bộ trưởng kinh tế vẫn diễn ra vào đầu tháng 3 tại Đà Nẵng trong bối cảnh đại dịch đã bùng phát khiến nhiều hội nghị khác phải hoãn hoặc hủy.

Đây chính là hội nghị hết sức quan trọng, đem đến thống nhất cao trong ASEAN đối với hợp tác kinh tế cũng như các điều chỉnh cần thiết khi đại dịch trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 dẫn đến việc các nước ASEAN đều phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, Việt Nam đã chủ động thích ứng, nhanh chóng thay đổi phương thức tổ chức các sự kiện trong khuôn khổ ASEAN từ truyền thống sang họp trực tuyến.

Điều này góp phần đảm bảo các hoạt động hợp tác kinh tế từ cấp Bộ trưởng đến cấp kỹ thuật của ASEAN diễn ra theo đúng kế hoạch từ đầu năm đến nay ngay khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Vai trò quan trọng đó tiếp tục được Việt Nam thực hiện và hoàn thành tốt, đóng góp một phần rất quan trọng vào thành công chung của năm ASEAN 2020.

Về mặt chuyên môn, với nỗ lực duy trì các hoạt động hợp tác trong ASEAN, vai trò và tiếng nói của Việt Nam càng được ghi nhận, đóng góp vào quá trình thảo luận, thống nhất các vấn đề hợp tác kinh tế của ASEAN theo hướng đảm bảo lợi ích của Việt Nam nói riêng cũng như của ASEAN nói chung, Việt Nam đã xây dựng 13 sáng kiến, ưu tiên về hợp tác kinh tế.

Đáng lưu ý, số lượng sáng kiến nhiều hơn các năm trước đây và Việt Nam quyết tâm thúc đẩy hoàn thành các sáng kiến mặc dù đại dịch làm ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động của các khuôn khổ hội nhập khác trên thế giới.

Cho đến nay, mặc dù diễn biễn phức tạp của dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nhất định đến quá trình làm việc và thảo luận của các nhóm công tác chuyên môn, Việt Nam đã nỗ lực cùng các nước ASEAN thúc đẩy và tiếp tục hợp tác để triển khai hiệu quả các ưu tiên kinh tế trong năm 2020 theo đúng kế hoạch.

Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, tám ưu tiên đã hoàn thành. Các ưu tiên còn lại đang được tiếp tục triển khai để hoàn thành trước cuối năm 2020.

Việt Nam cũng thể hiện vai trò Chủ tịch ASEAN trong việc điều phối và thúc đẩy xử lý nốt những vấn đề còn tồn đọng trong đàm phán Hiệp định RCEP, là cầu nối trung hòa lợi ích giữa các bên nhằm chính thức kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định – một trong những ưu tiên hợp tác kinh tế của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam đã phát huy tối đa vai trò Chủ tịch ASEAN của mình thông qua việc chủ động đề xuất cũng như tham gia giải quyết các vấn đề cấp bách trong ASEAN ngay từ khi đại dịch bùng phát.

Các sáng kiến này được Việt Nam thúc đẩy đưa ra rất kịp thời nhằm duy trì các hoạt động thương mại, tăng cường hợp tác, liên kết toàn khu vực trong việc khắc phục hậu quả của dịch COVID-19 và chuẩn bị cho phục hồi kinh tế sau đại dịch, tiêu biểu có Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, được Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN thông qua một cách tuyệt đối vào ngày 4/6/2020.

Ngay trước Hội nghị Cấp cao lần này, các Bộ trưởng đã ký Biên bản Ghi nhớ tạo khuôn khổ chung giải quyết các vấn đề phi quan thuế như là một bước đi cụ thể hóa để hiện thực hóa Kế hoạch hành động Hà Nội và chuẩn bị cho Kế hoạch tổng thể về phục hồi kinh tế ASEAN.

Như vậy, Việt Nam đã và đang thực hiện rất tốt nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

Theo Bộ trưởng, đâu là điều ấn tượng nhất sau gần 1 năm đảm nhận vai trò người điều phối các hoạt động trong trụ cột kinh tế của ASEAN 2020?

Có thể nói, năm 2020 là một năm vô cùng đặc biệt. Năm nay là dấu mốc kỷ niệm 25 năm gia nhập ASEAN của Việt Nam, đồng thời cũng là lúc mà nền kinh tế khu vực đang gặp phải những trở ngại và thách thức to lớn không chỉ từ xu hướng bảo hộ thương mại quốc tế mà còn từ đại dịch COVID-19.

Do vậy, khi nhận nhiệm vụ là người điều phối chung các hoạt động trong trụ cột kinh tế của ASEAN 2020, phải nói rằng tôi rất vinh hạnh và đồng thời cũng tự đặt quyết tâm cao để có thể vượt qua mọi thách thức.

Cùng với đó, làm thế nào để thuyết phục được sự ủng hộ của các đồng nghiệp ASEAN để hoàn thành nhiệm vụ, thúc đẩy mục tiêu hội nhập, hợp tác kinh tế trong và ngoài khu vực, hướng tới xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vững mạnh phát triển hơn và có dấu ấn rõ nét của Việt Nam.

Ngay từ đầu năm, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách sống, sinh hoạt và làm việc của người dân trên toàn thế giới, AEC và ASEAN nói chung đã nhanh chóng chủ động thích ứng với những thử thách chưa từng có.

Các Bộ trưởng ASEAN đã đồng lòng hợp tác để cùng giúp nhau vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Khi một số nước đề nghị Việt Nam đảm bảo lương thực và thực phẩm để tránh thiếu hụt đe dọa an ninh lương thực, Việt Nam đã tỏ ra là đối tác tin cậy và có nhiệm trách trong ASEAN và dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu.

Các nước ASEAN khác cũng đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhập khẩu hoặc thuế đặc biệt liên quan đến thiết bị y tế, xăng dầu, sắt thép…

Nhiều biện pháp thuận lợi hóa thương mại cũng đã được bàn và triển khai nhanh chóng như việc áp dụng cấp chứng nhận xuất xứ điện tử trong bối cảnh dịch bệnh gây khó khăn cho doanh nghiệp hoàn thành thủ tục, gây đứt gãy chuỗi cung ứng.

Hơn nữa, Việt Nam cũng đã thống nhất với các nước thay đổi phương thức tổ chức các sự kiện trong khuôn khổ ASEAN từ truyền thống sang họp trực tuyến, góp phần đảm bảo các hoạt động hợp tác kinh tế từ cấp Bộ trưởng đến cấp kỹ thuật diễn ra theo đúng kế hoạch.

Đồng thời, Việt Nam cũng chủ động đề xuất cũng như tham gia giải quyết các vấn đề cấp bách trong ASEAN ngay từ khi đại dịch bùng phát, tiêu biểu là các sáng kiến được Việt Nam thúc đẩy đưa ra rất kịp thời nhằm duy trì các hoạt động thương mại, tăng cường hợp tác, liên kết toàn khu vực trong việc khắc phục hậu quả của dịch COVID-19 và chuẩn bị cho phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Bên cạnh hợp tác nội khối thì hợp tác ngoại khối cũng đã có nhiều bước tiến quan trọng, thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.

Vì vâỵ, việc các nước ASEAN cùng năm nước đối tác ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP là một dấu ấn đáng nhớ đặc biệt là trong bối cảnh hợp tác kinh tế - thương mại toàn cầu đang gặp không ít khó khăn.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Uyên Hương-Mai Ly (TTXVN)
ASEAN 2020: Các nước thành viên khẳng định ý nghĩa của RCEP
ASEAN 2020: Các nước thành viên khẳng định ý nghĩa của RCEP

Ngày 15/11, sau khi 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương (10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand) ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), lãnh đạo nhiều nước đã khẳng định ý nghĩa của hiệp định này đối với kinh tế mỗi nước cũng hoạt động thương mại-đầu tư toàn khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN