Áp lực chuyển đổi xanh nhưng chủ động tiên phong để phát triển bền vững

"Nếu không chuyển đổi xanh, rất khó để hội nhập quốc tế, khó có thể đứng vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội", bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành, Tổng Công ty May 10 cho biết.

“Doanh nghiệp không thể đi một mình”

Tại phiên Tọa đàm: “Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững” trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times tổ chức mới đây, nhiều câu hỏi của doanh nghiệp đặt ra: “Làm sao để doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, có thể cùng lúc đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao mà vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe?"

Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần VietCycle, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, các sản phẩm nhựa khi xuất ra châu Âu hiện đòi hỏi đến 30%, đến năm 2028 này là 35% phải có hạt nhựa tái sinh.

Chú thích ảnh
Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp chia sẻ mô hình Khu công nghiệp thế hệ mới áp dụng số hóa, công nghệ tuần hoàn, tiết kiệm năng lượng giúp giảm đáng kể chi phí và nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh: BTC

“Đặc biệt, sản phẩm nhựa như túi đựng rác của châu Âu phải có đến 70% hạt nhựa tái sinh. Do đó, ngành Nhựa buộc phải thay đổi. Để dùng hạt nhựa tái sinh buộc phải thay đổi về công nghệ, buộc phải đầu tư thêm”, ông Hoàng Đức Vượng cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, May 10 bước vào hành trình chuyển đổi xanh không chỉ vì là từ áp lực thị trường, từ câu chuyện mà Việt Nam tuyên bố giảm phát thải về 0% đến năm 2050 tại COP26, mà từ nhận thức nội tại của doanh nghiệp.

Với ngành công nghiệp Thép, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc VnSteel, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, áp lực lớn nhất đối với việc chuyển đổi có lẽ đến từ thị trường xuất khẩu. Hiện, Việt Nam xuất khẩu khoảng 13 triệu tấn thép ra thị trường thế giới. Trong đó, khoảng 40% là xuất khẩu sang các thị trường các nước phát triển như EU (khoảng 27%) và Hoa Kỳ (khoảng 13%).

Thị trường EU bắt đầu đưa ra các quy định khắt khe với sản phẩm nhập khẩu như CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) bắt đầu áp dụng từ năm 2026. Như vậy, nếu doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu này, mới có thể cạnh tranh được trên thị trường EU. Ngược lại, không đáp ứng được, doanh nghiệp bắt buộc phải tìm thị trường mới. Ngoài ra, các chính sách về môi trường của Nhà nước cũng là một trong những yếu tố áp lực đối với việc chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.

Chính những áp lực trên nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong chuyển đổi xanh. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, hơn 5 năm trở lại đây, May 10 đã thực hiện chuyển đổi xanh, bắt đầu từ việc sử dụng những nguyên phụ liệu bền vững: Nguyên phụ liệu tái chế, organic cotton… Đầu tư vào điện năng lượng mặt trời áp mái với hàng triệu kWh tại những công trình lớn của May 10; chuyển đổi từ sử dụng nồi hơi than đá sang sử dụng nồi hơi sinh khối và có thể giảm thải cả ngàn tấn CO2 mỗi năm…

Chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn, mà là điều kiện để tiếp tục tồn tại và phát triển trong bối cảnh toàn cầu mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể đi một mình. Công cuộc chuyển đổi xanh trong sản xuất công nghiệp cần có một hệ sinh thái đồng hành, bao gồm chính sách nhất quán, nguồn vốn xanh, công nghệ phù hợp và sự liên kết giữa các bên.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước nên có những cơ chế về khuyến khích để sử dụng những sản phẩm xanh, và cũng như khuyến khích về thuế đối với những sản phẩm xanh. Việt Nam cần xây dựng thể chế và tín dụng xanh đủ mạnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, cũng là động lực cho sự chuyển đổi nhanh, sớm hơn; đồng thời, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo kết nối doanh nghiệp với viện nghiên cứu và trường đại học...

Mặt khác, dù đã có những tổ chức tín dụng (TCTD) “xanh”, nhưng việc tiếp cận vốn rất khó, thủ tục rườm rà. Trong khi ở các nước khác, họ có ngân sách để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. 

Tăng trưởng kinh tế không đánh đổi môi trường

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam. Ảnh: VD

Theo ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, phát triển tăng trưởng xanh, một trong những thách thức lớn hiện nay là công nghệ. “Nếu vẫn duy trì công nghệ cũ, muốn tăng sản lượng, buộc phải tăng đầu vào tương ứng – tức là tiêu tốn thêm tài nguyên. Khó có thể đạt được tăng trưởng mà đầu vào lại không tăng hoặc tăng chậm hơn, trừ khi có bước tiến về công nghệ. Điều chúng ta cần là các công nghệ hiệu quả hơn, sử dụng ít tài nguyên hơn”, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết.

Về mặt môi trường, nếu theo mô hình cũ, càng tăng trưởng, thiệt hại môi trường càng lớn. “Nhưng hiện nay, chúng ta có cơ hội không chỉ giảm tác hại mà còn đóng góp tích cực vào môi trường, nhờ vào các công nghệ xanh. Điều này đồng nghĩa với việc, thay vì làm tổn hại môi trường, doanh nghiệp có thể tham gia phục hồi hoặc cải thiện môi trường, ví dụ như xử lý rác, giảm ô nhiễm không khí”, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết.

So sánh Việt Nam với thế giới, đại diện ADB tại Việt Nam dẫn số liệu phát thải CO2 bình quân đầu người (dữ liệu năm 2019), cho thấy mức phát thải của Việt Nam ở mức khoảng 5 tấn/người/năm, thuộc nhóm thấp so với nhiều nước phát triển hoặc nước phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như Ả Rập Xê Út, Mỹ, Nga. Tuy nhiên, nếu Việt Nam tiếp tục phát triển theo mô hình cũ, phát thải trên đầu người sẽ còn tăng khi quy mô sản xuất mở rộng.

"So sánh với các nước ASEAN và OECD, khi so sánh Việt Nam với Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines trong hơn 10 năm qua, cho thấy ngoại trừ Philippines, các nước này đã giảm được phát thải trên đơn vị GDP, nhờ cải thiện công nghệ và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong khi đó, Việt Nam ngược lại, vẫn còn phát thải cao và có xu hướng tăng, do vẫn đang nằm trong giai đoạn trước khi vượt ngưỡng chuyển đổi thu nhập. Điều này phù hợp với đường cong Kuznets: Khi chưa vượt ngưỡng, tăng trưởng còn phải đánh đổi môi trường. Tuy nhiên từ giai đoạn hiện tại trở đi, Việt Nam có cơ hội để thay đổi – chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh, hiệu quả hơn và ít phát thải hơn”, chuyên gia Nguyễn Bá Hùng cho biết.

Theo chuyên gia Nguyễn Bá Hùng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia đã đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế; đồng thời giảm phát thải. Điều này chứng minh rằng việc vừa tăng trưởng cao vừa giảm phát thải không phải là điều bất khả thi.

Vấn đề đặt ra là Việt Nam có quyết tâm tham gia xu hướng này hay không? "Tôi cho rằng với việc Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, về mặt chính sách, chúng ta đã thể hiện rõ mong muốn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mong muốn này, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ xanh, chuyển đổi mô hình kinh doanh và điều chỉnh mô hình tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, từ cấp doanh nghiệp đến tầm vĩ mô”, ông Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV).

Việt Nam cần tới 360 tỷ USD để hướng tới Net Zero. Về mục tiêu và cam kết Việt Nam đặt ra, tăng công suất điện mặt trời lên 73 GW vào 2030 (gấp 5 lần mục tiêu trước); điện gió tăng từ 21 GW lên 38 GW; ưu tiên hiện đại hóa lưới điện, triển khai 18 dự án thủy điện tích năng.

Về giao thông, Việt Nam tập trung triển khai kế hoạch hành động khử carbon, tập trung vào xe điện và giao thông công cộng. Về nông nghiệp cam kết giảm 30% khí mê-tan vào năm 2030 so với năm 2020 (theo COP26)…
Minh Phương/Báo Tin tức và Dân tộc
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Kiểm soát ô nhiễm, thúc đẩy chuyển đổi xanh cho đô thị
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Kiểm soát ô nhiễm, thúc đẩy chuyển đổi xanh cho đô thị

Ngày 5/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức cuộc họp rà soát, hoàn thiện dự thảo "Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025 - 2030" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với Sở Nông nghiệp và Môi trường các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN