Áp dụng kỹ thuật mới cho mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo

Tại các địa phương ở Hưng Yên, mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo gắn với bảo vệ môi trường đang được nhiều nông dân lựa chọn.

Chú thích ảnh
Trang trại của Hợp tác xã chăn nuôi bò Phú Cường, thành phố Hưng Yên. Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN

Với giá đầu ra sản phẩm cao và ổn định, đàn bò không bị dịch bệnh, môi trường vệ sinh đảm bảo, do đó phương pháp chăn nuôi này đã mở ra kỹ thuật mới mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên Đỗ Trọng Thạo, thực hiện mục tiêu của tỉnh về phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng và triển khai mô hình vỗ béo bò. Mô hình hướng tới tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với thức ăn công nghiệp để vỗ béo bò trước khi giết thịt trong thời gian khoảng 90 ngày nhằm tăng sản lượng, nâng cao chất lượng thịt và tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Đồng thời, hướng phát triển kinh tế cho các hộ nông dân, tạo thêm việc làm trong điều kiện đồng cỏ, khi diện tích chăn thả ngày một thu hẹp.

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên đã triển khai mô hình vỗ béo bò với quy mô 300 con bò tại 37 hộ tại xã Ngọc Thanh (huyện Kim Động) và xã Hồng Vân (huyện Ân Thi). Các hộ tham gia mô hình bảo đảm các tiêu chí như có địa điểm thực hiện phù hợp với nội dung, yêu cầu kỹ thuật của mô hình; ngoài kinh phí hỗ trợ của mô hình; các hộ cam kết đầu tư vốn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật.

Nhằm giúp các hộ nông dân tham gia mô hình tiếp nhận và thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật tại các hộ tham gia mô hình, kịp thời phát hiện và xử lý các tồn tại trong quá trình thực hiện; hướng dẫn hộ chăn nuôi viết nhật ký sổ theo dõi, báo cáo kết quả tiếp nhận, thực hiện mô hình... Khi  tham gia mô hình, các hộ nuôi  được hỗ trợ 50% thức ăn hỗn hợp theo định mức tương đương 135 kg/con bò. Đến nay, trung tâm đã cấp hơn 40 tấn thức ăn hỗn hợp cho đàn bò tham gia mô hình.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Hợi, ở xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động là một trong những hộ tham gia mô hình. Ông Hợi cho biết, bò giống của các hộ tham gia mô hình chủ yếu là bò 3B, có tốc độ tăng trọng cao so với các giống bò thịt lai khác. Nguồn thức ăn tận dụng được các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm thức ăn tự chế, giúp giảm chi phí đầu vào. Hơn nữa, quy trình kỹ thuật vỗ béo bò thịt không quá phức tạp, quản lý đơn giản, dễ làm, phù hợp với đa số các hộ chăn nuôi. Đáng chú ý, do chất thải của bò được xử lý bằng chế phẩm sinh học vi sinh nên không còn mùi hôi thối, đảm bảo vệ sinh. Chuồng trại luôn trong trạng thái thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, thường xuyên sạch sẽ, vì thế đàn bò không bị mắc bệnh và tránh được nhiều rủi ro.

Theo ông Hợi, nuôi bò thịt vỗ béo đang thu hút nhiều người chăn nuôi tăng đàn để nâng cao thu nhập, bởi đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định và ít rủi ro hơn so với các ngành chăn nuôi khác, nhất là tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là lao động những ngày nông nhàn, lao động phụ làm tăng thêm thu nhập cho các hộ chăn nuôi vươn lên làm giàu.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên Đỗ Trọng Thạo đánh giá, mô hình vỗ béo bò giúp cho nông dân tận dụng được các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm thức ăn cho đàn bò, góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Quy trình kỹ thuật vỗ béo bò thịt dễ áp dụng, phù hợp với các hộ chăn nuôi; tạo ra đàn bò thịt cho năng suất cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng đó, mô hình tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận và sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi bò vỗ béo để xử lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Theo ông Thạo, thành công của mô hình là tạo ra đàn bò thịt cho năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng thu nhập cho hộ chăn nuôi. Với các vùng bãi thuận lợi cần quy hoạch vùng chăn nuôi bò tập trung, ưu tiên hỗ trợ chăn nuôi bò thịt quy mô lớn. Đồng thời, khuyến khích các hộ chăn nuôi thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác; phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt chăn nuôi bò thịt an toàn sinh học theo hướng bền vững.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Lê Trung Cần chia sẻ, nhằm khuyến khích các địa phương phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, vốn tín dụng, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi xây dựng trang trại theo hướng khép kín. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị chuyên môn đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm chăn nuôi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 34.000 con trâu, bò; trong đó, bò thịt chiếm khoảng 65% tổng đàn, tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Giang, Kim Động, Ân Thi, Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên..

Quang Nhiều (TTXVN)
Chăn nuôi tăng đàn phục vụ thị trường Tết
Chăn nuôi tăng đàn phục vụ thị trường Tết

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường dịp cuối năm, thời điểm này, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung tái đàn, chăm sóc, vỗ béo đàn vật nuôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN