An Giang tích cực tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Ngày 8/12, tại huyện Tri Tôn (An Giang), đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang tham gia “Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” (gọi tắt là Đề án).

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho 150.000 ha đến năm 2030 để tham gia Đề án. Ngành nông nghiệp đã làm việc với 11 huyện, thị, thành và thống nhất lộ trình sẽ triển khai Đề án đến năm 2030. Theo đó, sản xuất lúa theo chương trình “1 phải 5 giảm” toàn tỉnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với diện tích 90.173 ha chiếm 39,27% diện tích xuống giống.

Năm 2024, An Giang có diện tích tham gia Đề án trong vụ Đông Xuân với diện tích gần 40.000 ha; vụ Hè Thu diện tích gần 48.500 ha; vụ Thu Đông với diện tích gần 60.000 ha. Đến năm 2025, tổng diện tích của tỉnh An Giang đăng ký Đề án với diện tích gần 104.000 ha và đến năm 2030 diện tích tham gia đề án với diện tích gần 153.000 ha.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, trước khi Đề án được Chính phủ phê duyệt chính thức, ngành nông nghiệp đã tổ chức thực hiện thí điểm 10.000 ha trong vụ Thu Đông 2023, triển khai tại các tiểu vùng đã tương đối về hạ tầng sản xuất, nông dân đáp ứng cơ bản tiêu chí đề án và liên kết với Tập đoàn Lộc Trời.

“Hiện ngành nông nghiệp đã hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch thực hiện đề án, gửi lấy ý kiến các sở ban, ngành và UBND các huyện có liên quan và trình UBND tỉnh ký ban hành trong tháng 12/2023. Sau khi tiến hành làm việc cụ thể với các huyện và xác định tiểu vùng sản xuất tham gia Đề án, hiện có 129 hợp tác  xã tham gia, số lượng hợp tác xã dự kiến tham gia liên kết qua từng năm. Theo đó, năm 2025 là 100 hợp tác xã, năm 2026 là 150 hợp tác xã. Từ năm 2027 đến năm 2030 tiếp tục mở rộng và tăng lên 200 hợp tác xã tham gia liên kết vào năm 2030”, ông Lâm cho biết.

Tham gia Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, An Giang gặp thuận lợi do có diện tích sản xuất lúa rất lớn; nông dân An Giang hầu hết đã hình thành được tập quán sử dụng giống lúa xác nhận trong sản xuất, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo chất lượng giống. Bên cạnh đó, sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp vào chuỗi liên kết cũng là một lợi thế của tỉnh trong triển khai Đề án.

Chú thích ảnh
Đại diện hợp tác xã tham gia đề án 1 ha lúa chất lượng cao phát biểu tại buổi làm việc.

Đặc biệt, việc chuyến đổi cơ cấu cây trồng được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Hàng năm, mỗi vụ đều có kế hoạch cụ thể về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu và cây ăn trái. Việc này đảm bảo diện tích sản xuất lúa được đảm bảo, an ninh lương thực được giữ vững, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho việc triển khai đề án.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp địa phương cũng nêu một số khó khăn tham gia đề án như: do tập quán sản xuất của nông dân nên một số tiêu chí của đề án rất khó thực hiện; trong đó tiêu chí về lượng giống gieo sạ được đánh giá là tiêu chí khó thực hiện nhất. Một số hệ thống kênh mương và thủy lợi đã đầu tư thời gian dài, cần đánh giá lại và nâng cấp thêm. Một số tiêu chí của đề án đòi hỏi phải đầu tư máy móc để thực hiện, trong khi cơ sở vật chất còn hạn chế…

Tỉnh An Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có lộ trình để thay đối tập quán canh tác của nông dân, nhất và về việc giảm lượng giống gieo sạ để đạt yêu cầu của Đề án; cấp kinh phí đầu tư vào các hệ thống thủy lợi và máy móc để việc sản xuất lúa đạt hiệu quả hơn, đáp ứng được các yêu cầu của Đề án.

An Giang cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ có những chính sách cụ thể phục vụ cho đề án đến năm 2030 như: chính sách hỗ trợ cho cơ giới hóa đồng ruộng, chính sách về thuế cho doanh nghiệp khi tham gia liên kết... góp phần thuận lợi cho các địa phương khi triển khai thực hiện….

Tại buổi làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện hợp tác xã trên địa bàn An Giang đã trao đổi về phương pháp trả tín chỉ cacbon; đề xuất các vấn đề về vốn thực hiện Đề án, những khó khăn về tiêu chí: thủy lợi, máy móc, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thực hiện Đề án…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao sự tích cực của An Giang trong quá trình tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Đây sẽ là cuộc cách mạng nâng cao chất lượng hạt gạo, gia tăng thu nhập cho nông dân và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các hợp tác xã trên địa bàn cần đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân tích cực thực hiện các tiêu chí của Đề án và quy trình “1 phải 5 giảm”; quan tâm tập huấn để nông dân thực hiện tốt yêu cầu, tiêu chí của Đề án, đảm bảo giảm phát thải cacbon; tập trung vào giá trị tăng thêm cho hạt gạo Việt Nam thông qua việc thực hiện Đề án….  

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị tỉnh đưa ra những ý kiến đề xuất hay vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Đề án để Bộ có những định hướng và chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời cho địa phương làm tốt trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu…

Cùng ngày, đoàn công tác đã đến tham quan thực tế hoạt động sản xuất tại Hợp tác xã nông nghiệp Lộc Phát (huyện Tri Tôn).

Tin, ảnh: Thanh Sang (TTXVN)
Hậu Giang lần đầu tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam
Hậu Giang lần đầu tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam

Nhằm mở ra cơ hội thúc đẩy thương mại lúa gạo Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam lần thứ I tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang từ ngày 11 - 14/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN