Thủy điện Thác Bà (Yên Bái) được xây dựng trên 40 năm với hơn 5 vạn dân phải di dời. Nhưng tới nay, vẫn còn hơn 1 vạn dân chưa có điện sinh hoạt. Mặc dù người dân chia sẻ khó khăn với Nhà nước, nhưng vẫn luôn tự hỏi, bao giờ mới có điện.
Đó là thông tin được đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) chia sẻ trong phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội chiều qua (13/11) về công tác quy hoạch thủy điện.
Quy hoạch gắn liền với trách nhiệm
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Công Bình chỉ là một trong số vô vàn thắc mắc của người dân gửi về Quốc hội thông qua các đại biểu về công tác quy hoạch thủy điện. Đặc biệt, trong giai đoạn 10 năm gần đây, khi việc xây dựng thủy điện “bùng nổ” ở nhiều địa phương, “nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện”.
Tính đến nay, chúng ta có 1.239 dự án (26.013MW) thủy điện đã được lập và phê duyệt. Tuy nhiên, có 424 (34%) dự án thủy điện vừa và nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch, vì chưa đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, môi trường, tái định cư….
Trong thực tế, thủy điện đã tham gia chống lũ, chống hạn, cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất ở nhiều địa phương (các hồ thủy điện chiếm khoảng 86% tổng dung tích các hồ chứa trong cả nước); đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, thủy điện còn góp phần tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp ở nhiều địa phương, tạo nhiều việc làm và điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng khu vực có dự án.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thủy điện đã đóng góp cho hệ thống điện hơn 48% công suất phát điện và gần 44% điện lượng. Thành tựu về thủy điện trong thời gian qua là nỗ lực lớn của các bộ ngành. Tuy nhiên, công tác quản lý, quy hoạch thủy điện còn nhiều bất cập. Đặc biệt, đối với những thủy điện nhỏ.
Thực tế, các công trình thủy điện nhỏ chưa có báo cáo chi tiết về ảnh hưởng tới môi trường. Việc trồng rừng thay thế bị buông lỏng, dẫn tới chỉ có 3,7% trên tổng số diện tích đã bị lấy đi xây dựng thủy điện được trồng rừng thay thế. Đặc biệt, chủ đầu tư các thủy điện nhỏ chỉ quan tâm tới sản xuất điện, làm thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp, làm kiệt nước mùa hạn và gây lũ vào mùa mưa. “Nhiều dự án thủy điện không thể trồng rừng thay thế vì không còn đất để trồng. Do vậy, cần bắt buộc các dự án thủy điện phải có diện tích rừng trồng bù, không thể phá rừng, làm xong thủy điện rồi mới trồng rừng trở lại”, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) đề nghị.
Một số đại biểu cho rằng, chúng ta đã quá dễ dãi trong việc quy hoạch thủy điện, việc quy hoạch thủy điện phải gắn liền với trách nhiệm, ai chịu trách nhiệm khi quy hoạch thủy điện. Vì trên thực tế, nhiều dự án khác nhau nhưng đánh giá tác động tới môi trường lại na ná như nhau, sao chép của nhau. Do vậy, cần làm rõ trách nhiệm của hội đồng thẩm định việc phê duyệt quy hoạch thủy điện.
Sử dụng năng lượng thay thế
Một số đại biểu cho rằng, không nhất thiết phải phát triển tràn lan các dự án thủy điện mà có thể khai thác các nguồn năng lượng khác như: điện gió, điện mặt trời… “Chúng ta có thể loại bỏ các dự án thủy điện không hiệu quả, thay thế bằng điện gió, điện mặt trời”, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh) phát biểu.
Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) bổ sung, ước tính sản xuất điện từ gió của chúng ta có rất nhiều tiềm năng. Vừa qua, một số địa phương như Bình Thuận, Ninh Thuận… đã triển khai dự án điện gió rất hiệu quả, có thể nhân rộng.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng cần quan tâm hơn nữa tới đời sống của người dân vùng tái định cư. Vì để có đất xây dựng thủy điện, 65.000 hộ dân đã phải di dời, 20.000 ha rừng bị phá hủy. Thực tế, phương án đào tạo nghề ở những vùng tái định cư chưa được triển khai cụ thể, “Bồi hoàn tiền cho người dân sau khi di dời nhưng chỉ một thời gian sau dân đã hết tiền vì không có việc làm”, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho biết.
Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) kiến nghị, cần rà soát để đánh giá toàn diện đối với đời sống nhân dân vùng tái định cư sau khi xây dựng thủy điện. Trên thực tế mức sống của người dân tái định cư của thủy điện vẫn thấp hơn bình quân của địa phương. Còn đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đề nghị cần bổ sung ngân sách để hỗ trợ người dân ổn định dân cư giai đoạn 2009 - 2015, nâng tỷ lệ che phủ rừng, sắp xếp lại dân cư, tiếp tục hỗ trợ tái định cư gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phi Sơn