Chỉ 3 năm trước, Adidas từng ca ngợi khái niệm “speedfactory”, với việc sử dụng các quy trình tự động hóa cao để sản xuất giày nhanh hơn, tùy biến theo yêu cầu của khách hàng và gần hơn với các cửa hàng. Khái niệm này là một bằng chứng cho thấy hoạt động sản xuất có thể quay trở lại các quốc gia có mức lương cao.
Tuy nhiên, từ cuối năm nay, những đôi giày sản xuất tại các “speedfactory” cũng sẽ “gia nhập” các mẫu giày khác của Adidas, được sản xuất tại các nhà máy hiện có ở châu Á. Ông Martin Shankland, thành viên Ban điều hành Adidas, nhận định động thái trên sẽ khiến hoạt động sản xuất giày trở nên linh hoạt và kinh tế hơn đồng thời mở rộng phạm vi cho các sản phẩm có sẵn.
Hai “speedfactory” chuẩn bị ngừng hoạt động chỉ sản xuất 1 triệu đôi giày trong tổng sản lượng khoảng 400 triệu đôi giày thể thao của Adidas.
Tương lai của 160 công nhân đang làm việc tại nhà máy Ansbach hiện vẫn chưa rõ ràng. Nhà máy này đang được vận hành bởi công ty công nghệ Oechsler của Đức, một đối tác của Adidas. Giám đốc điều hành của Oechsler, ông Claudius Kozlik, khẳng định hai công ty sẽ vẫn tiếp tục hợp tác trong sản xuất đế cho giày bóng đá và đế in 4D.