ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 7,5%

Ngày 14/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2022, theo đó đánh giá, kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, những rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn ngày càng gia tăng.

Chú thích ảnh
Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cái Mép (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh tư liệu: Trọng Đức/TTXVN

ADB cũng đánh giá tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến đạt 7,5% trong năm nay và lạm phát khả năng được điều chỉnh còn 3,5%. Song song đó, do thương mại tiếp tục tăng trưởng, và có nhiều dấu hiệu đang cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã sụt giảm mạnh nên ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ chỉ còn 6,3% do sự suy yếu của các đối tác thương mại lớn.  

Báo cáo ADO 2022 cũng hạ thấp mức dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu đang xấu đi. Nếu, hồi tháng 9/2022, ADB dự báo tăng trưởng nền kinh tế khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương dự kiến là 4.3% trong năm 2022 và 4,9% vào năm 2023 thì nay sẽ chỉ còn đạt mức 4,2% trong năm nay và 4,6% vào năm sau. 

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu và trong khu vực cùng với cuộc xung đột kéo dài giữa Nga - Ukraine và các đợt phong tỏa tái diễn ở Trung Quốc đang làm chậm quá trình phục hồi của châu Á đang phát triển sau đại dịch COVID-19. Các hạn chế theo cách tiếp cận “Zero COVID”, cùng với thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, đã một lần nữa khiến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc bị hạ thấp.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Châu Á và Thái Bình Dương sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng các điều kiện toàn cầu đang xấu đi, có nghĩa là đà phục hồi sẽ chững lại khi chúng ta bước sang năm mới. Các chính phủ sẽ cần hợp tác chặt chẽ hơn để vượt qua những thách thức kéo dài của COVID-19, chống lại tác động của giá lương thực và năng lượng đang tăng cao. Đặc biệt là đối với người nghèo và người dễ bị tổn thương, cũng như bảo đảm cho sự phục hồi kinh tế toàn diện và bao trùm.”

ADB đã hạ dự báo lạm phát ở châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương từ 4,5% xuống còn 4,4% trong năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng này đã nâng dự báo cho năm 2023 sẽ là 4% lên 4,2%, do áp lực lạm phát kéo dài từ giá năng lượng và thực phẩm.

Ngay cả với các mức dự báo bị hạ thấp này, châu Á đang phát triển vẫn sẽ làm tốt hơn các khu vực khác trên toàn cầu, cả về tăng trưởng và lạm phát. Dự báo tăng trưởng của ADB cho Đông Nam Á trong năm nay đã được nâng từ mức 5,1% lên 5,5%, trong bối cảnh tiêu dùng và du lịch phục hồi mạnh mẽ ở Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo cho năm tới giảm từ 5% xuống còn 4,7% do nhu cầu toàn cầu suy yếu...

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
WB đánh giá về bốn động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023
WB đánh giá về bốn động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023

Năm 2022, thế giới tiếp tục chứng kiến biến động ở nhiều khu vực, từ những "tàn dư" của đại dịch COVID-19 đến cuộc xung đột Nga - Ukraine và những hệ lụy đi kèm, khiến kinh tế toàn cầu rơi vào vùng "không xác định".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN