4 tháng đầu năm nhập siêu gần 3 tỷ USD

Đây là con số được Bộ Công Thương công bố trong buổi họp báo thường kỳ tháng 4, diễn ra chiều 27/4. Cùng với đó, Bộ này cho biết, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 5,7 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 2,7 tỷ USD.

Riêng trong tháng 4, nhập siêu ước 600 triệu USD, giảm 57% so với nhập siêu của tháng trước, bằng 4,1% kim ngạch xuất khẩu.

Về tình hình xuất khẩu: Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là mức tăng trưởng thấp so với các năm trước cũng như thấp hơn kế hoạch đề ra là tăng trưởng xuất khẩu 10%.

Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh). Ảnh: TTXVN


Nguyên nhân tăng trưởng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2015 không cao là do kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đều giảm mạnh so với cùng kỳ.

Khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu, tập trung ở một số mặt hàng chính như: điện thoại các loại, máy vi tính và linh kiện điện tử, sản phẩm nội thất ngoài gỗ, máy ảnh, máy quay phim...

Đối với nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm tăng 19,9% so với cùng kỳ, tương đương 8,8 tỷ USD về giá trị tuyệt đối. Đây là mức tăng khá cao, tuy nhiên nếu xét riêng tháng 4 thì kim ngạch nhập khẩu đã giảm 2,3% so với tháng trước, tương đương 336 triệu USD.

Nhóm hàng cần kiểm soát và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu có kim ngạch nhập khẩu tăng thấp hơn mức tăng nhập khẩu chung (lần lượt là 13,9% và 2,8%). Đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô, do phần lớn là các loại xe tải và xe chuyên dụng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xử lý tình trạng nông sản Việt Nam ùn ứ khi tiêu thụ tại các cửa khẩu với Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nông sản xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch thường không chịu điều kiện khắt khe về kiểm dịch, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của cư dân ở biên giới Trung Quốc, cơ chế trao hàng nhận tiền thanh toán trực tiếp giúp thuận lợi cho thanh toán kịp thời. Tuy nhiên, cách làm này có bất lợi là không dự báo trước được nhu cầu nên gây ùn tắc.

"Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và tổ chức hội nghị với Bộ Nông nghiệp về tiêu thụ nông sản qua biên giới để tổ chức tốt khâu thu hoạch, chế biến, xuất khẩu một cách thích hợp, đảm bảo lợi ích cho người nông dân", ông Trần Tuấn Anh nói.

Hoàng Dương

Xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng mạnh đến năm 2020
Xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng mạnh đến năm 2020

Xuất khẩu của Việt Nam vào Liên minh châu Âu ước tính sẽ tăng thêm 75% đến năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN