Điều này, đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép cạnh tranh lớn hơn ngay tại thị trường trong nước.
Để triển khai thi hành có hiệu quả Hiệp định EVFTA, đồng thời phát huy tối đa những lợi ích có được từ Hiệp định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Chương trình hành động thực thi Hiệp định, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể là tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư. Những hoạt động sẽ được triển khai trong khuôn khổ nhóm giải pháp này gồm: tổ chức các hội thảo, hội nghị để tuyên truyền, phổ biến các cam kết của Việt Nam theo Hiệp định EVFTA cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý ở địa phương, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn, cộng đồng doanh nghiệp…
Đối với chương trình xúc tiến đầu tư sẽ được thực hiện trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Theo đó, các dự án của các nhà đầu tư EU sẽ được thu hút có chọn lọc, chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh như: công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dự án có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, Chương trình hành động cũng nhấn mạnh việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và bảo đảm thực thi cam kết của Việt Nam theo Hiệp định EVFTA.
Để bảo đảm thi hành các hiệp định đã ký kết với Liên minh châu Âu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các văn bản pháp luật liên quan và đề xuất xây dựng các văn bản cần thiết để bảo đảm thi hành hiệp định.
Kết quả rà soát cho thấy, hầu hết cam kết của Việt Nam theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cơ bản phù hợp với pháp luật hiện hành, có thể áp dụng trực tiếp mà không yêu cầu phải sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan. Cùng với đó, các cam kết góp phần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp.
“Đây là một trong các giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành công của việc thi hành Hiệp định”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.
Để hỗ trợ và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, Bộ khẩn trương đưa vào vận hành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với đầy đủ công năng kỹ thuật và thể chế vượt trội để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, sáng tạo. Bên cạnh đó, Bộ đang xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Chương trình chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để triển khai thi hành có hiệu quả Hiệp định EVFTA, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của công tác thi hành và giám sát thi hành pháp luật nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài cần được chú trọng.
Chương trình hành động thực thi Hiệp định EVFTA cũng đề cập các Bộ, ngành thực hiện có hiệu quả hỗ trợ sau đầu tư, giải quyết nhanh chóng, kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, tránh phát sinh thành tranh chấp giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài, tòa án và hoạt động thi hành phán quyết trọng tài. Đồng thời, các Bộ, ngành tăng cường giám sát thực thi ở cấp cơ sở để đảm bảo các chính sách tiến bộ về cải thiện môi trường kinh doanh được triển khai có hiệu quả, cũng như hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp đầu tư...