3G chưa xong đã “mong” 4G

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Lê Nam Thắng cho rằng: Các nhà mạng cần cân nhắc thận trọng khi muốn triển khai dịch vụ 4G.


Tốc độ 3G chưa như mong đợi

Nhu cầu sử dụng Internet của người dân ngày càng cao đồng nghĩa với việc gia tăng đòi hỏi về chất lượng dịch vụ viễn thông Internet 3G. Nhưng đến nay, không ít thuê bao vẫn phàn nàn về tình trạng mạng bị “đơ”, tốc độ truy cập “rùa bò”, chưa kể cách tính cước 3G còn khiến nhiều người thắc mắc. Liên quan tới vấn đề này, một số nhà mạng cũng thừa nhận, việc triển khai 3G của họ chưa thành công.

Người tiêu dùng mong dịch vụ, chất lượng dịch vụ 3G sẽ ngày càng tốt hơn.

Ông Hồ Trí Dũng, Giám đốc công nghệ của Tập đoàn Viettel cho biết: Mặc dù mạng 3G được đầu tư tốt nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Điều này thể hiện ở lượng thuê bao 3G chỉ chiếm 30% tổng số khách hàng, mức thấp trong khu vực. Tại khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ trung bình sử dụng dịch vụ 3G chiếm 45%.

Nói về khó khăn phát triển mạng 3G, đại diện Viettel cho biết: Nhiều địa phương như Hà Nội là môi trường phủ sóng rất phức tạp, đặc biệt ở những khu vực nhà nhỏ, ngõ hẹp. Tuy nhiên, nhà mạng cũng đã nỗ lực rất nhiều để đưa vùng phủ sóng 3G chiếm 90%, tốc độ trên 1Mb; tỷ lệ rớt cuộc gọi rất thấp, chỉ 0,2 - 0,3% (cao nhất thế giới). Hiện, Viettel đang chú trọng tiếp tục nâng cao chất lượng để khách hàng có thể xem video mượt và tải trang web nhanh hơn.

“Hiện 3G ở Việt Nam mới chỉ được người dùng sử dụng quanh quẩn với lướt web, nghe nhạc, lướt Facebook. Nếu Việt Nam triển khai 3G thực sự (hiện là 3,5G) với vùng phủ sóng rộng, chất lượng tốt thì cũng không cần đến 4G”, ông Lê Nam Thắng nói.

Còn ông Nguyễn Nam Long, Phó giám đốc VNPT - Net (mạng VinaPhone) cho hay: Đề cập về công nghệ 3G thì phải nói tới vùng phủ sóng. Ngay các nhà mạng lớn cũng đều khó khăn trong việc cấp phép xây dựng trạm BTS. VNPT đầu tư mạng 3G những năm qua là rất lớn nhưng vẫn vướng mắc về đầu tư cơ sở. Có khi các nhà mạng đã sẵn sàng về thiết bị, công nghệ nhưng không cũng xây được trạm vì không tìm được địa điểm thích hợp. Mặt khác, do việc sử dụng 3G thường tập trung vào một thời điểm nên vào một số khung giờ cao điểm việc truy cập web, xem video đương nhiên bị chậm.

Đại diện VinaPhone cũng cho rằng: Tổng công ty đã cố gắng cung cấp dịch vụ thông qua việc đo kiểm, tối ưu, tốc độ đường truyền. Tuy nhiên, do vẫn còn những “điểm đen” phủ sóng nên VNPT - Net cũng nhận được hơn 20.000 khiếu nại của khách hàng vì lý do không thể truy cập được với tốc độ mình mong muốn.

Xem xét tiến lên 4G

Theo các chuyên gia viễn thông, trước khi triển khai Việt Nam phải xem công nghệ 4G đã chín muồi và có tính phổ biến chưa? Bên cạnh đó, phải sắp xếp quy hoạch băng tần cho phù hợp, triển khai đồng bộ… để tránh tình trạng giá thiết bị đắt, dẫn đến giá cước cao.

Đại diện các nhà mạng cho biết, dù sang năm 2016 việc cấp phép triển khai 4G mới được thực hiện nhưng một điều có thể khẳng định trước chính là việc giá cước 4G sẽ không đắt hơn 3G. Dự kiến chỉ khác nhau về tốc độ download còn giá cước data không đổi, không phân biệt 3G và 4G. Khi tốc độ tăng thì dung lượng sử dụng nhiều hơn, qua đó doanh thu sẽ nhiều hơn.

Đại diện Công ty thiết vị viễn thông Qualcomm Đông Nam Á cho rằng: Đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam tiến lên 4G do hệ sinh thái 4G đã tương đối hoàn thiện, thiết bị đầu cuối giá rẻ. “Thời điểm cuối năm nay và đầu 2016 là chín muồi để Việt Nam triển khai 4G khi giá di động hỗ trợ đã giảm xuống dưới 100 USD. Tuy nhiên, nhà mạng cần có mô hình kinh doanh phù hợp để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Giả sử nếu nhà mạng đặt giá 4G bằng với giá 3G thì đã có lợi nhuận tốt”, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương, ông Thiều Phương Nam chia sẻ.

Theo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), đến thời điểm hiện nay các nhà cung cấp dịch vụ như FPT, CMC, VTC không xin thử nghiệm 4G mà chỉ có Viettel, MobiFone và VNPT xin thử nghiệm. Ông Trần Tuấn Anh, đại diện Cục Viễn thông cho hay, mỗi doanh nghiệp triển khai tối đa tại 3 tỉnh trên toàn quốc, thử nghiệm trên băng tần 1800, băng tần 2300, 2600, từ đó xem xét khả năng cung cấp dịch vụ 4G có thể vào năm 2016 hoặc sang 2017. Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, vấn đề quan trọng không phải là việc cấp phép mà còn phụ thuộc mô hình kinh doanh, cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp.

Cho đến thời điểm này, các nhà mạng đang lên kế hoạch chuẩn bị triển khai 4G. Theo ông Đỗ Minh Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, nhà mạng sẽ xin phép Bộ TT-TT cho thử nghiệm 4G có thu phí. Mạng 4G trước mắt phủ đến cấp thị xã, huyện và các tỉnh, thành phố. Đến cuối 2015 chậm nhất là quý I/2016, Viettel sẽ có 12.000 trạm 4G trên toàn quốc. Khi cung cấp dịch vụ 4G, quan điểm của Viettel là chỉ phân biệt cước thoại và dữ liệu chứ không phân biệt đâu là 3G và 4G. Như vậy, có thể hiểu giá cước 4G mà Viettel cung cấp không cao hơn 3G. Khi sử dụng 4G, khách hàng của Viettel sẽ phải đổi sim mới có thể dùng được.

Theo ông Phạm Đức Long - Tổng giám đốc VNPT, tập đoàn này sẽ triển khai 4G rất nhanh chóng, hướng tới mục tiêu hội tụ dịch vụ công nghệ này để cung cấp cho khách hàng chất lượng đường truyền cao. Ông Long cho rằng, nếu chuyển từ 2G lên 3G là từ thoại lên dữ liệu nên phải làm vùng phủ sóng lại, trong khi chuyển từ 3G lên 4G lại là tăng cường chất lượng cho khách hàng đáp ứng nhu cầu data (dữ liệu) lớn hơn. Vì vậy, VNPT sẽ quy hoạch lại mạng để triển khai 4G tốt nhất.

Bài và ảnh:  Minh Phương
Mạng 4G: Công nghệ truyền thông tương lai
Mạng 4G: Công nghệ truyền thông tương lai

Với gần 7 tỷ thuê bao di động trên toàn cầu và lưu lượng dữ liệu khổng lồ, công nghệ 4G sẽ là giải pháp phát triển cho các nhà mạng di động trong tương lai gần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN