Sự quyết tâm sau 2 năm xây dựng thần tốc cũng đánh dấu bước phát triển quan trọng của ngành truyền tải điện quốc gia trong việc luôn đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, truyền tải điện năng cung cấp cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Dấu ấn lịch sử
Với chủ trương đổi mới theo Đại hội VI của Đảng, tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam có những bước chuyển biến tích cực, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 để đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, ngày 5/4/1992, công trình đường dây 500kV mạch 1 đã được khởi công xây dựng.
Đến ngày 27/5/1994, trạm biến áp (TBA) 500kV Pleiku được đóng điện, hai hệ thống điện Nam - Bắc được hòa chung một nhịp, nối liền hệ thống điện trên toàn quốc. Hệ thống điện siêu cao áp 500kV của Việt Nam và TBA 500kV Pleiku chính thức được đưa vào vận hành từ đây. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống điện Việt Nam đã có “trục xương sống” 500kV chạy suốt từ Bắc vào Nam.
Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai Đinh Văn Cường, người đã từng đảm nhiệm vị trí Trạm trưởng TBA 500kV Pleiku nhiều năm nhớ lại, trước năm 1994, hệ thống điện vận hành rời rạc, có vùng thừa, vùng thiếu điện. Khi đường dây 500kV mạch 1 đi vào vận hành đã tạo sự phân bổ đồng đều và sản lượng điện từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình cũng được truyền tải qua đường dây này để cấp điện cho miền Nam.
Đội trưởng Đội Truyền tải điện Chư Sê, Truyền tải điện Gia Lai, ông Nguyễn Tài là người đã gắn bó với đường dây này từ khi đi vào vận hành. Với nhận thức đây là công trình quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế bắt đầu thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, ông Tài chia sẻ: “Từ năm 1994, chúng tôi đã được đào tạo để tiếp quản vận hành đường dây. Lúc đầu quản lý còn nhiều bỡ ngỡ vì lần đầu tiên đất nước có một đường dây ở cấp điện áp 500kV, điều kiện quản lý khó khăn như địa bàn toàn dân di cư tự do; đường dây đi qua các khu vực trồng cây cao su, cà phê, tiêu nên phải tuyên truyền đến tận người dân để thay đổi nhận thức bảo vệ đường dây. Chưa kể thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa thì lầy, mùa nắng thì bụi, ảnh hưởng lớn đến quá trình quản lý và vận hành đường dây.”
Và đến bây giờ vẫn thế, sau 25 năm, người công nhân truyền tải vẫn “sống chung” “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với người dân, để thuyết phục họ chặt tỉa các cây vi phạm khoảng cách, hành lang an toàn đường dây, hay cùng tham gia bảo vệ an toàn đường dây.
Các chuyên gia năng lượng đánh giá hệ thống truyền tải điện 500kV mạch 1 đi vào vận hành đã phát huy ngay vai trò quan trọng trong Hệ thống điện Quốc gia. Lượng điện năng rất lớn cung cấp cho miền Nam và miền Trung từ miền Bắc đã được truyền tải qua Trạm 500kV Pleiku, góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là khu vực miền Nam.
Khó khăn trong vận hành
Trong suốt 25 năm qua, đặc biệt là thời gian 10 năm đầu (khi chưa có đường dây 500kV mạch 2) đường dây 500kV mạch 1 luôn vận hành đầy tải, có lúc quá tải nên áp lực càng đặt lên trọng trách của những người lính truyền tải điện.
Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3, ông Hồ Công cho biết, một trong những khó khăn khi quản lý vận hành đường dây là địa hình rất khó khăn hiểm trở, hầu hết đi qua rừng núi cao, sông suối sâu, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên. Mùa mưa thì mưa xối xả, rồi lũ quét, lún sụt, sạt lở đất. Mùa khô thì gió lốc bụi mù trời, nắng như đổ lửa, cháy đen da.... Nguy cơ xảy ra cháy lan dưới hành lang gây sự cố luôn thường trực…
Khó khăn lớn nhất theo ông Công là vấn đề hành lang đi qua các vườn trồng cây công nghiệp, nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như: Cao su, bời lời, điều, thông, tràm…. Mặc dù cây trồng nằm ngoài phạm vi hành lang an toàn lưới điện nhưng vào mùa mưa cành nhánh phát triển nhanh, vi phạm khoảng cách an toàn và có nguy cơ ngã đổ vào đường dây, dễ gây sự cố gián đoạn cung cấp điện.
Toàn bộ điểm nút tại Gia Lai, cụ thể là TBA 500kV Pleiku là điểm trung chuyển cho các luồng công suất từ tất cả các nguồn thủy điện trên dòng sông Sê San để cung cấp điện cho miền Nam. Nhưng qua 25 năm vận hành đã bộc lộ những khiếm khuyết, như thiết bị nhiều chủng loại, không đồng bộ, có nhiều thiết bị đã vận hành lâu năm nên ảnh hưởng không nhỏ đến độ tin cậy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.
Hiện nay Công ty Truyền tải điện 3 đã có kế hoạch thay thế các thiết bị tại trạm để đảm bảo vận hành không bị sự cố. Sau này TBA 500kV Pleiku 2 được xây dựng thêm đã giải quyết được tình trạng nút thắt cổ chai tại đây, đưa công suất từ phía Bắc vào, Giám đốc Cường cho biết.
Giám đốc Truyền tải điện Kon Tum (Công ty Truyền tải điện 2), ông Trần Hoàng Đạo cho biết, đường dây 500kV mạch 1 vận hành trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, 6 tháng nóng và 6 tháng mùa mưa. Bên cạnh đó, đặc thù của Kon Tum là cây cao su nhiều, độ cao lên đến 25m, nên để đảm bảo cho an toàn hành lang đường dây cao áp thì việc giải tỏa mất rất nhiều công sức do cả mạch 1 và sau này là mạch 2 đều thiết kế độ võng dây thấp.
Chưa kể trình độ dân trí trong khu vực thấp, chủ yếu là dân tộc Ba Na, Ê Đê, Xê Đăng, thường có thói quen đốt rẫy làm nương nên cần đầu tư vào công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức, tập tục của người dân. Nhiều trường hợp công nhân truyền tải phải xuống tận nơi để cùng người dân dọn đốt rẫy có kiểm soát để không cháy lan làm ảnh hưởng đến đường dây.
Một khó khăn nữa theo ông Đạo là hầu hết những người công nhân làm mạch 1 nay đã lớn tuổi, giờ sắp nghỉ hưu nên tiếp thu công nghệ mới khó khăn, phải chuyển sang các công việc không đòi hỏi kỹ thuật cao.
Trong khi đến năm 2020, chủ trương của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là không tuyển người nên buộc Truyền tải điện Kon Tum phải nâng cao năng suất lao động, tăng cường đào tạo về kỹ năng, áp dụng công nghệ mới và triển khai kế hoạch một cách khoa học hơn.
Còn ở khu vực Quảng Nam, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Truyền tải điện Quảng Nam cho biết, có 159 km đường dây 500kV mạch 1, mạch 2 đi qua, nhất là khu vực Tam Kỳ thường trồng keo nguyên liệu gây khó khăn trong giải tỏa cây cao hành lang.
Mùa mưa hay bị sạt lở, chia cắt địa bàn thành 4 vùng. Khu vực Chà Và có núi đá vôi nhiều, điện trở đất cao do khai thác rừng nhiều, đất khô nhanh nên có mật độ giông sét lớn… gây khó khăn trong quản lý vận hành.
Sau 25 năm, để có được hơn 8.000 km đường dây truyền tải 500kV trải dài từ Bắc vào Nam, chúng ta nhớ đến những hy sinh, vất vả lặng thầm, kể cả máu xương của hàng nghìn cán bộ kỹ sư, công nhân xây dựng và vận hành đường dây, vượt qua biết bao khắc nghiệt của thời tiết, của địa hình hiểm trở, thi công khó khăn trên các sườn đồi, rừng núi.
Và trong suốt 25 năm qua, kể từ ngày thống nhất hệ thống điện 3 miền Bắc - Trung - Nam, các thế hệ công nhân lao động tiếp nối truyền thống đó để quản lý, vận hành an toàn, thông suốt Hệ thống truyền tải điện Quốc gia.
Bài 2: Hệ thống năng lượng huyết mạch