Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, thương mại hàng hóa giữa hai nước vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Tăng trưởng theo cấp số nhân
Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nhấn mạnh, thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm và liên tục tạo ra những cột mốc mới. Từ nhiều năm nay, Hoa Kỳ luôn giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Hoa Kỳ.
Tính từ thời điểm Hoa Kỳ chính thức xóa bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều mới liên tục tăng. Năm 2001, trước thời điểm Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 1,4 tỷ USD và đến cuối năm 2019, giá trị trao đổi thương mại hai nước đã lên tới 75 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm 2018.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, đặc điểm quan trọng trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ là tính bổ trợ cho nhau. Cụ thể, Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu là những mặt hàng mà Hoa Kỳ có nguồn cung dồi dào.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian gần đây đã giúp Việt Nam có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 lên thứ 9 trong các nước xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ. Đồng thời, Việt Nam cũng trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh thông tin, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ, chiếm trên 40% giá trị xuất khẩu hàng năm. Đây cũng là thị trường tiêu thụ có mức tăng trưởng cao trung bình trên 20%/năm.
Với dệt may, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hàng dệt may đã tiếp cận thị trường Hoa Kỳ từ rất sớm nhưng phải đến khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 thì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào Hoa Kỳ mới bắt đầu tăng trưởng nhanh.
Những năm gần đây, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam. Trong 38,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2019, riêng thị trường Hoa Kỳ đã đạt 14,85 tỷ USD, tương đương với 39% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Đến nay, dệt may cũng trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp đến 30% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng
Với quy mô thị trường lớn, sức tiêu thụ mạnh, Hoa Kỳ được xác định tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong thời gian tới. Ông Nguyễn Chánh Phương phân tích, so với các thị trường xuất khẩu khác như EU hay Đông Á, yêu cầu về sản phẩm đồ gỗ của thị trường Hoa Kỳ không quá cao, phù hợp với năng lực sản xuất doanh nghiệp chế biến trong nước. Nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ của Hoa Kỳ được dự báo sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm sản phẩm tủ bếp, nội thất văn phòng và nội thất khách sạn.
Ước tính, mỗi năm Hoa Kỳ nhập khẩu tới 60 tỷ USD sản phẩm đồ gỗ và nội thất. Trong khi đó, Việt Nam đang có lợi thế là một trong 5 nước chế biến, xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới nhưng các sản phẩm đồ gỗ và nội thất Việt Nam mới chiếm khoảng 9% thị phần. Dư địa thị trường vẫn còn rất lớn, nếu biết khai thác các phân khúc sản phẩm phù hợp với lợi thế thì kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ vào Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới - ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng thủy sản như tôm, cá tra, đóng góp khoảng 17-18% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm của Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2020, mặc dù ảnh hưởng từ dịch COVID-19 khiến xuất khẩu tôm ở hầu hết thị trường đều giảm nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt kim ngạch 224,5 triệu USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), trên thị trường Hoa Kỳ, nửa đầu năm 2020 tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau COVID-19 trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề. Nếu tận dụng tốt cơ hội, tôm Việt Nam có thể vươn lên trên các đối thủ khác và giành được ưu thế gia tăng thị phần tại Hoa Kỳ.
Xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ sau dịch cũng được dự báo sẽ gia tăng do lợi thế cạnh tranh về thuế so với sản phẩm tương tự của Trung Quốc, các áp lực từ rào cản thương mại và kỹ thuật cũng được giảm bớt. Thêm vào đó, kết quả công nhận tương đương theo chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) không chỉ tạo thuận lợi cho xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Hoa Kỳ mà còn tác động tích cực lên các thị trường khác.
Ngoài các mặt hàng đã có kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, đồ gỗ, Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu hàng tiêu dùng và các loại nông sản.
Ông Erik Frankel, Giám đốc điều hành Vietsway - một doanh nghiệp có nhiều năm kinh doanh hàng tiêu dùng Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ là một trong những thị trường khó tính và có tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng nhập khẩu nhưng cũng là thị trường có nhu cầu hàng hóa vô cùng đa đạng, từ sản phẩm công nghệ cao cấp cho tới hàng tiêu dùng bình dân vốn là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam.
“Nếu như giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghệ, điện tử bị chiếm lĩnh bởi các thương hiệu, tập đoàn đa quốc gia thì ở mảng hàng tiêu dùng, sản phẩm handmade chính là lợi thế của doanh nghiệp thuần Việt. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm, tinh dầu tự nhiên của Việt Nam được người tiêu dùng Hoa Kỳ yêu thích. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu chưa thể so sánh với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng bù lại nếu tập trung khai thác tốt thị trường thì biên độ lợi nhuận cho doanh nghiệp sẽ rất cao”, ông Erik Frankel chia sẻ thêm.
Về nông sản, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ 2 thế giới chỉ sau EU, trong khi Việt Nam đứng thứ 2 về sản lượng sản xuất cà phê. Việt Nam đang nắm giữ khoảng 15% tổng giá trị nhập khẩu cà phê hàng năm của Hoa Kỳ, tuy nhiên tỷ lệ này có thể cao hơn nữa nếu doanh nghiệp biết nắm bắt xu hướng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo báo cáo của Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ), cà phê là thức uống được yêu thích nhất tại Hoa Kỳ, tuy nhiên người tiêu dùng ở đây đang chuyển sang sử dụng các loại cà phê đặc sản, có giá trị cao và hương vị đặc trưng. Cùng với đó, xu hướng mua cà phê rang xay trực tiếp từ người chế biến thông qua thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp kinh doanh cà phê Việt Nam tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, cắt giảm chi phí trung gian và gia tăng kim ngạch cũng như lợi nhuận trong xuất khẩu cà phê.
Mặc dù tiềm năng xuất khẩu lớn nhưng các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường Hoa Kỳ cần nghiên cứu kỹ các yếu tố thị hiếu khách hàng, tính phù hợp, giá cả và khả năng cạnh tranh với các đối thủ để quyết định phương thức xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp cho phù hợp. Đồng thời doanh nghiệp cần đảm bảo minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc cũng như xác định chính xác mã hàng hóa để giảm thiểu các rủi ro không đáng có.