2013, thế giới vẫn canh cánh mối lo kinh tế

“Ngày Tận thế” trong năm 2012 theo lịch người Maya như đồn đại đã không xảy ra. Nhiều người thở phào nhẹ nhõm, nhưng kinh tế thế giới không vì thế mà có thể “ung dung tiến bước” trong năm 2013. Bởi bóng ma nợ công châu Âu vẫn còn, vấn đề “vách đá tài chính” của Mỹ đang treo và nỗi lo hàng loạt điểm nóng chực chờ bột phát.


Trở lại năm 2012, không ít người nói rằng đây là “năm siêu bầu cử” vì có tới 4 trong số 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới tiến hành thay đổi lãnh đạo.


Kết quả cho thấy, tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã giành chiến thắng trước đối thủ Mitt Romney của Đảng Cộng hòa, liên nhiệm thêm 4 năm; ở Trung Quốc, cuộc chuyển giao quyền lực đã diễn ra suôn sẻ, đánh dấu việc Phó Chủ tịch Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo tối cao của nước này; tại Nhật Bản, cựu Thủ tướng Shinzo Abe thực hiện cuộc “đổi ngôi” thành công, trở lại vị trí lãnh đạo nội các “Đất nước Mặt trời mọc” và ở Pháp, “Ngài Bình dân” Francois Hollande đã chính thức tiếp nhận quyền lực từ chủ nhân cũ của Điện Elysee là cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy. Nhưng ở bất cứ quốc gia nào, dù nhân vật nào lên nắm quyền thì đối với người dân, mối quan tâm nhất vẫn chỉ có một, chính là ai có thể giúp cuộc sống của họ trở nên tốt hơn. Vì thế, việc làm thế nào để đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo đã trở thành mục tiêu chính sách quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo.


Năm 2013, Trung Quốc sẽ thúc đẩy đô thị hóa để tạo thêm động lực phát triển cho nền kinh tế.Ảnh: Internet


Nếu như nói rằng năm 2012 là năm kinh tế Mỹ hồi phục nhẹ và là năm chiến thắng của Đảng Dân chủ, thì năm 2013 này có thể trở thành năm khủng hoảng chính sách tài chính của “đầu tầu kinh tế thế giới”. Nếu muốn kinh tế có bước chuyển biến tích cực, việc đầu tiên mà Mỹ phải làm là tránh “vách đá tài chính”. Dẫu biết rằng nước Mỹ đã tạm thời giải quyết được vấn đề này và trong tương lai, thỏa hiệp vẫn là lựa chọn duy nhất nhằm tránh đẩy kinh tế Mỹ xuống vực thẳm, nhưng bất đồng nghiêm trọng giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong nhiều lĩnh vực sẽ gây khó khăn lớn cho Tổng thống Obama trong việc thực thi cam kết tranh cử. Vào mùa thu tới, dự kiến cuộc tranh luận giữa Nhà Trắng và đồi Capitol về dự toán ngân sách năm 2014 tiếp tục diễn ra. Nếu ông Obama và các nghị sĩ Quốc hội nhanh chóng đạt được sự thống nhất về hàng loạt mục tiêu ngân sách và thời gian biểu nợ quốc gia, tình trạng hỗn loạn sẽ không diễn ra. Tuy nhiên, nhiều người lại tỏ ra không lạc quan về khả năng này.


Đối với châu Âu, đồng euro tới nay có thể nói là khá an toàn, nhưng trên thực tế, rủi ro lại nằm ở chính phủ các nước thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Dù là chủ nợ hay con nợ, họ đều phải đối mặt khó khăn là làm thế nào đưa ra được lựa chọn đúng đắn để thực hiện hồi phục kinh tế bền vững. Bài toán này xem ra rất khó có được lời giải hoàn mĩ khi tăng trưởng phải song hành với “thắt lưng buộc bụng”. Liệu đột phá sẽ xuất hiện? Không dễ dàng! Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể đã trở thành “lãnh tụ” không thể tranh cãi của châu Âu, nhưng những biện pháp ứng phó với khủng hoảng nợ được cho là “thận trọng quá mức” của bà Merkel có thể sẽ phải trả giá đắt. Trong khi đó, thắng lợi của ông Hollande được đánh giá là bước ngoặt, mở ra một viễn cảnh chính trị mới ở Pháp, nhưng trên bình diện châu Âu xem ra đây không phải là nhân vật để đặt quá nhiều kỳ vọng vào cải cách. Vì thế, trong vấn đề nợ châu Âu, thấp thỏm có thể tiếp tục là tâm lý thường trực.


Đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, việc ông Abe thắng cử và trở thành Thủ tướng đã dấy lên hi vọng. Cử tri Nhật Bản hi vọng chính trị gia này sẽ rút kinh nghiệm từ lần thất bại trong nhiệm kỳ trước - trở lại với một Đảng Tự do Dân chủ (LDP) cũ kĩ sau những năm cải cách mạnh mẽ của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi. Bài học của các cuộc bầu cử năm 2009 và 2012 cho thấy cử tri sẽ trừng phạt các chính trị gia không thực hiện được lời hứa phục hồi nền kinh tế Nhật Bản. Nhưng thực tế cũng cho thấy 20 năm qua, không có một nhà lãnh đạo nào có thể cứu Nhật Bản thoát khỏi tình trạng tăng trưởng kinh tế èo uột. Kinh tế Nhật Bản có tiếp tục “mất mát” sau “thập kỷ mất mát” hay không, câu trả lời vẫn là ẩn số.


Trong bối cảnh đó, hi vọng lại quay về các nền kinh tế mới nổi ở châu Á mà Trung Quốc có thể tiếp tục là tiêu điểm. Hầu hết chuyên gia cho rằng kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy vào quý III/2012. Thực tế cũng cho thấy từ quý IV, kinh tế Trung Quốc đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực như Chỉ số Quản lý Sức mua (PMI) trở lại ngưỡng trên 50 điểm, đánh dấu việc sản xuất bắt đầu được mở rộng. Sắp tới, Trung Quốc sẽ thúc đẩy đô thị hóa theo hướng nâng cao chất lượng, kinh tế nước này chắc chắn sẽ có thêm động lực phát triển. Bởi đô thị hóa sẽ kéo theo đầu tư tài sản cố định, cộng thêm sự cởi trói trong vấn đề hộ tịch đối với công nhân nông dân (công nhân đến từ nông thôn) cũng như chính sách trưng thu đất đai, sức người và sức của sẽ được giải phóng. Do đó, nhiều nhà phân tích cho rằng tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2013 sẽ tốt hơn năm 2012 và tăng trưởng GDP nhiều khả năng sẽ trở lại mốc 8% một năm, dao động từ mức 8% đến 8,5%.


Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc cũng như các nước vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Ngoài các yếu tố nội tại, còn chịu ảnh hưởng từ bên ngoài. Việc Mỹ in tiền vô tội vạ để cứu kinh tế sẽ gây ra rủi ro lạm phát, khiến giá hàng hóa cơ bản định giá bằng đồng USD trên thị trường quốc tế leo thang, gây ra lạm phát nhập khẩu đối với các nước khác. Bên cạnh đó, dòng tiền nóng chảy mạnh vào các nền kinh tế mới nổi sẽ tấn công hệ thống tài chính ở đây, dẫn tới biến động về tỉ giá hối đoái và đem đến nhiều rủi ro cho công tác quản lý, giám sát tài chính.


Hà Ngọc(P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN